Chúng tôi - một nhóm gồm hơn 30 nhà báo, phóng viên, cán bộ của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã thực hiện một cuộc thử nghiệm khi hội ngộ tại Hội Nhà báo Việt Nam: Cùng đặt ra câu hỏi yêu cầu sáng tạo tác phẩm báo chí của cùng một sự kiện cho ChatGPT và kết quả nhận lại khá bất ngờ. Hơn 30 bản thảo ChatGPT sáng tạo ra không giống nhau và hầu hết số bản thảo đó chỉ cần biên tập thêm một chút là có thể đăng tải được…
Nhiều cơ quan báo chí đã ứng dụng MC ảo dẫn các chương trình truyền hình, video trên báo điện tử. |
ChatGPT - “tay viết” đáng gờm
ChatGPT đã không còn là điều mới mẻ với người dân Việt Nam, nhất là “cánh” báo chí. Nhiều nhà báo, phóng viên đã thử nghiệm ChatGPT với những câu hỏi hóc búa và sững sờ nhận ra rằng với nhiều vấn đề chuyên môn, khi nhận được câu hỏi thích hợp, chatbot này cung cấp các câu trả lời đạt trình độ chuyên gia.
Vậy với sự sáng tạo thì sao? Cùng một sự kiện, vấn đề hay đề tài, ChatGPT có cung cấp một đáp án như kiểu “copy - paste”? Cuộc thử nghiệm như đã nói ở trên cho chúng tôi phần nào câu trả lời. ChatGPT cung cấp ra đủ thể loại báo chí như: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, tường thuật… Kể cả cùng thể loại, tác phẩm do ChatGPT sáng tạo ra cũng không giống nhau. Thậm chí, khi yêu cầu ChatGPT viết theo phong cách tuổi teen của thế hệ “Gen Z”, chatbot này cũng lập tức cho kết quả khiến ai nấy đều phải trầm trồ…
Với cùng một đề tài báo chí, ChatGPT cho ra đời rất nhiều sản phẩm khác nhau. |
Từ ChatGPT, nhiều nhà báo đặt câu hỏi: Liệu trí tuệ nhân tạo (AI) đã có thể thay nhà báo? Câu trả lời đều nhận được là không, bởi sáng tạo tác phẩm báo chí là một quá trình dài từ việc đi cơ sở thâm nhập, thu thập, kiểm chứng thông tin, số liệu thực tế và thể hiện tác phẩm. Nhưng, nếu đặt ra “bài toán” tổng hợp thông tin trên Internet về một vấn đề hoặc cung cấp thông tin, số liệu đầy đủ cho ChatGPT thì chatbot này là một “tay viết” đáng gờm. Nhiều nhà báo nhận định, ChatGPT có thể được ứng dụng tốt trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí.
AI và báo chí tự động, cá nhân hóa
ChatGPT thổi bùng lên “ngọn lửa” về vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào báo chí. Trên thực tế, không phải đợi đến khi có ChatGPT, nhiều cơ quan báo chí đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động. Associated Press (AP) - hãng thông tấn của Mỹ, cơ quan báo chí lớn nhất trên thế giới - lần đầu tiên sử dụng AI để tạo nội dung tin tức vào năm 2013. The Washington Post (Mỹ) đã thử nghiệm tính năng viết tin tức tự động bằng phần mềm thông minh ra mắt lần đầu tiên vào năm 2016…
Tại Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều cơ quan báo chí đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động. Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus, chia sẻ trên một tác phẩm của mình rằng, Báo điện tử VietnamPlus đã cho ra mắt Chatbot để tự động tương tác với độc giả từ năm 2018.
Thạc sĩ Lương Đông Sơn, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết: Các cơ quan báo chí của Việt Nam đã dùng người dẫn chương trình ảo (MC ảo) cho các bản tin video, bản tin podcast; sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích xu hướng quan tâm của công chúng; tối ưu hóa quá trình sản xuất, hoặc phân phối tin tức báo chí theo hướng cá nhân hóa trong chính cơ quan báo chí của mình và trên mạng xã hội…
Trí tuệ nhân tạo đã tác động thúc đẩy tạo nên một nền báo chí tự động. Ở đây, mức độ tự động đã có từ khâu khảo sát công chúng, đề xuất đề tài đến tìm kiếm thông tin, sản xuất tác phẩm báo chí tự động và đánh giá hiệu quả. Tất nhiên con người vẫn làm chủ các khâu này nhưng tự động hóa báo chí cũng dấy lên lo ngại về vấn đề việc làm cho các nhà báo.
Nhà báo người Úc Anthony De Ceglie, từng là tổng biên tập, lãnh đạo của một số cơ quan báo chí tại Úc, chia sẻ: Ứng dụng AI trong báo chí là một xu hướng tất yếu và các nhà báo, phóng viên nên nghĩ theo chiều hướng đó là giải pháp giúp giải phóng sức lao động hiệu quả. Tuy nhiên, mỗi nhà báo cần đổi mới để thích ứng.
Một xu hướng không mới nhưng đang ngày càng rõ nét hiện nay là cá nhân hóa. Theo Hiệp hội Truyền thông Tin tức Quốc tế (INMA), một nghiên cứu gần đây cho thấy 77% "Gen Z" (những người được sinh ra vào khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2012, thế hệ gắn liền với chiếc điện thoại di động) tin rằng điều quan trọng đối với các doanh nghiệp hoạt động bán hàng hướng đến người dùng là tùy chỉnh tương tác, có thể tùy chỉnh dựa trên sở thích cá nhân. Ví dụ, những người yêu thích bóng đá sẽ dành phần lớn thời gian của mình để xem, đọc thông tin về bóng đá…
Các mạng xã hội đã làm điều này - cá nhân hóa, đưa những thông tin người dùng quan tâm. Những nghiên cứu và thực tế nhu cầu của người dùng thời gian gần đây đã cho thấy việc cá nhân hóa là xu hướng tất yếu của các cơ quan báo chí. Thực tế, nhiều cơ quan báo chí đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cung cấp thông tin theo nhu cầu, sở thích của từng nhóm đối tượng độc giả.
Trợ lý ảo AI
Phân tích về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung báo chí số, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) nêu rõ quan điểm, AI xuất hiện giúp những người dùng tăng tốc sản xuất nội dung báo chí. AI có thể được xem như trợ lý ảo hỗ trợ quá trình viết bài, biên tập, quản trị nội dung để gia tăng tốc độ sản xuất tin, bài của các tòa soạn báo.
Trong sản xuất nội dung báo chí, AI có thể hỗ trợ các tính năng: Nhập văn bản bằng giọng nói; chuyển văn bản thành giọng nói; phiên dịch nội dung; hỗ trợ kiểm chứng thông tin độc lập; tự động xác định các yêu cầu từ độc giả; hỗ trợ tổ chức các thông tin và gợi ý liên kết giữa các chủ đề; trực quan hóa dữ liệu; phân tích hình ảnh và nhận dạng; tự động viết các nội dung, tạo tin, bài từ dữ liệu có sẵn…
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng thì đó cũng chỉ là một công cụ mà các nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra các tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp. “AI không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí” - PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng vào mọi mặt của đời sống xã hội. Báo chí không nằm ngoài xu hướng đó. Vì vậy, mỗi nhà báo, người làm báo càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất, học hỏi để làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ mình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin