Ông Phan Thanh Toản, Trưởng xóm Tân Vàng, xã Linh Thông (Định Hóa), nói hóm hỉnh: Tân Vàng có nghĩa là… vàng mười. Tự hào vì mang cái tên giàu có, bà con xóm Tân Vàng không ngừng nỗ lực vươn lên, đồng thuận, chung tay làm thay đổi diện mạo vùng đất khó.
Người dân xóm Tân Vàng trước Nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới. |
91 tuổi, bà cụ Phương (gọi theo tên con trai) vẫn minh mẫn. Bà bảo: Tôi cũng không biết xóm có tên là Tân Vàng từ bao giờ. Các cụ gọi thế, mình cũng gọi thế.
Ông Phan Thanh Toản thì lý giải: Do trước đây người quanh vùng đến tìm vàng, định cư lại trên đất mới, nên gọi nôm là Tân Vàng, sau thành tên trên bản đồ hành chính.
Hiện xóm có 75 hộ, 316 nhân khẩu, thu nhập chính của bà con từ cấy lúa, trồng màu và chăn nuôi nhỏ lẻ. Đến đầu năm 2023, xóm còn 23 hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Trên đường bê tông từ trung tâm xã về Tân Vàng, bà Lưu Thị Mai, công chức văn phòng, thống kê xã, phấn chấn nói: Đời sống kinh tế của bà con khó khăn, nhưng ai nấy hăng hái, tích cực tham gia đóng góp cùng Nhà nước xây dựng hạ tầng cơ sở. Mới đây là việc bà con đóng góp xây dựng Nhà văn hóa, khu thể thao (NVH - KTT).
Trên khuôn viên rộng 500m2, NVH xóm Tân Vàng khang trang, rộng rãi được khánh thành từ tháng 1-2023. Trước đây xóm đã có NVH - KTT, do chưa đạt chuẩn nông thôn mới nên bà con nhất trí dỡ bỏ, xây lại nhà mới rộng 170m2.
Để có mặt bằng xây dựng NVH - KTT, bà con đóng góp tiền mua gần 1.000m3 đất để san lấp vào chỗ trũng, xây bờ kè dọc theo bờ suối hết 1.000m3 đá.
Bà Vi Thị Lộc, Trưởng Ban Công tác mặt trận xóm, cho biết: Công trình NVH - KTT được Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng và 20 tấn xi măng. Nhân dân tham gia đóng góp 4 triệu đồng/hộ; vận động con em xa quê ủng hộ được 14,5 triệu đồng; 18 đảng viên, ngoài đóng góp theo mức quy định chung, tự nguyện ủng hộ thêm 200.000 đồng/người.
Thấy chúng tôi đến thăm Nhà văn hóa, một số bà con làm đồng gần đấy cũng vào góp vui, chuyện trò thân thiện. Ông Ma Văn Lâm cho biết: Nhiều nhà còn khó về kinh tế, nhưng khi xóm có chủ trương phá dỡ nhà văn hóa cũ, xây nhà mới thì ai cũng đồng lòng.
Ông Lưu Viết Cường góp vui: Để tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới, bà con bảo nhau tích cực ủng hộ, vì đó là mục tiêu hướng đến của cả huyện, chứ không riêng Tân Vàng.
Còn ông Phan Thanh Khánh cho biết: Tiền đóng góp của bà con hầu hết phải trông vào bán hạt thóc, con gà, con lợn. Chỉ một số ít gia đình có con đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, có tiền lương mang về giúp bố mẹ “thực hiện quyền lợi” công dân xóm. Nay đã có NVH - KTT mới, bà con có thêm cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Mỗi người một lời, không khí trò chuyện càng thêm sôi nổi. Với các hộ có kinh tế ổn định, việc đóng góp xây dựng công trình phúc lợi chung là lẽ đương nhiên. Nhưng với các trường hợp kinh tế gia đình còn khó khăn, vẫn chủ động tham gia đóng góp lại làm bà con trong vùng nể trọng.
Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Đông, ngôi nhà ở đang cần sửa chữa nhưng ông cũng không ngần ngại tham gia. Ông bảo: Bà con đóng góp được, gia đình tôi không thể ngồi nhìn. Vợ chồng tôi nhất trí bán con bò, một phần tiền mang đóng góp, còn lại dành chữa bệnh cho con.
Đời sống kinh tế của người dân xóm Tân Vàng còn khó khăn, thiếu thốn, song lòng người đồng thuận, cùng hướng đến một tương lai tươi đẹp hơn. Giản đơn là việc đóng góp xây dựng NVH - KTT…
Mải chuyện, mặt trời đứng bóng từ lúc nào, cũng khi ấy từ trong NVH đám trẻ nhỏ ùa ra, ríu ran như một bầy chim non. Thấy tôi tần ngần ở đó, bà Hoàng Thị Thơi nói nhỏ: Từ ngày NVH - KTT xây dựng hoàn thiện, chiều nào bà con cũng đến chơi bóng chuyền hơi, tập văn nghệ, còn các cháu nhỏ có chỗ sinh hoạt đoàn, đội. Nhờ đó bà con có điệu kiện gắn bó với nhau hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin