Đa dạng hóa hình thức tuyên tuyền về công tác dân số ở Cây Thị

Tùng Lâm 09:10, 14/08/2023

Với dân số trên 3.350 người, trong đó có hơn 70% là người dân tộc thiểu số như Dao, Sán Dìu, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) đang là địa phương còn nhiều khó khăn. Dù vậy, với nhiều nỗ lực của lực lượng y tế, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình ở Cây Thị vẫn được thực hiện khá hiệu quả.

Cán bộ phụ trách công tác dân số của Trạm Y tế xã Cây Thị (Đồng Hỷ) tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cho người dân.
Cán bộ phụ trách công tác dân số của Trạm Y tế xã Cây Thị (Đồng Hỷ) tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cho người dân.

Đầu những năm 2000, ở Cây Thị hầu hết các cặp vợ chồng đều sinh nhiều con (ít cũng 4 hoặc 5 người con, nhiều lên đến 10 người con/cặp vợ chồng). Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói, nghèo ở một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Cây Thị.

Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức của người dân về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đã được nâng lên. Chị Đỗ Thị Minh Huế, cán bộ phụ trách công tác dân số, Trạm Y tế xã Cây Thị, cho biết: 3 năm trở lại đây, số cặp vợ chồng người dân tộc Dao, Sán Dìu sinh con thứ 3 trở lên còn ít. Hầu hết gia đình đã ý thức được việc đẻ dày, đẻ nhiều con ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé cũng như việc phát triển kinh tế. Do đó, khi sinh đủ 2 con, họ đều sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Đến nay, trên 83% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của xã sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

Đạt được kết quả này là do lực lương y tế xã và cộng tác viên dân số ở 7 xóm đã có sự phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động. Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng, như: Phối hợp tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh địa phương, lồng ghép trong các buổi họp đoàn thể…

Đặc biệt, cán bộ y tế xã không ngại khó, ngại khổ, phối hợp cùng cộng tác viên dân số các xóm đến từng hộ dân, nhất là những cặp vợ chồng sinh con một bề là gái để tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân.

Chị Huế cho hay: Việc thay đổi tư tưởng, nhận thức người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số không phải là chuyện dễ dàng. Không chỉ truyền tải thông điệp, đưa nội dung tuyên truyền đến với người dân mà còn phải làm cho họ hiểu, họ tin để làm theo. Trước đây, khi mới tiếp cận, các cặp vợ chồng sinh con một bề luôn né tránh, không muốn trò chuyện cùng chúng tôi. Vì vậy, có những trường hợp, chúng tôi phải đi lại rất nhiều lần để làm công tác tư tưởng.

Chính sự kiên trì, không bỏ cuộc của những cán bộ làm công tác dân số khiến nhiều trường hợp bất hợp tác đã trở nên cởi mở và thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.

Đơn cử như vợ chồng chị Bàn Thị Hà và anh Dương Văn Lương, người dân tộc Dao ở xóm Hoan. Do đã sinh hai con gái nên anh chị vẫn luôn có ý định sinh thêm con trai cho “có nếp, có tẻ”. Bởi vậy, vợ chồng anh chị không dùng bất cứ biện pháp tránh thai hiện đại nào. Nắm bắt được tâm tư của vợ chồng chị Hà, cán bộ y tế xã và cộng tác viên dân số của xóm đã đến tận nơi động viên, tuyên truyền. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần, vợ chồng chị Hà đã không còn những “chấp niệm” về việc phải sinh con trai nên đã chủ động sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên.

Cũng nhờ được tuyên truyền tốt, nhiều cặp vợ chồng sinh con một bề từng có ý định sinh thêm con trai đã “quay xe”, đặt dụng cụ tử cung để tránh thai an toàn, hiệu quả như chị Dương Thị Đào, dân tộc Dao, xóm Khe Cạn…

Phát huy những kết quả đã đạt được, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức người dân về tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch; chăm sóc sức khỏe sinh sản…, thời gian tới, lực lực y tế xã và công tác viên dân số sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền trên Zalo, Facebook; hệ thống truyền thanh xã… để đưa thêm nhiều thông tin đến người dân một cách kịp thời và hiệu quả.