Dù đã được cơ quan chức năng tuyên truyền, nhắc nhở nhưng vì lợi ích trước mắt vẫn có người dân trong tỉnh lén lút dùng máy kích điện công suất lớn để bắt giun đất, gây mất cân bằng sinh thái, làm giảm chất lượng đất nông nghiệp. Hành vi này kéo dài tất sẽ để lại nhiều hệ lụy trong sản xuất nông nghiệp, môi trường. Do vậy, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục tuyên truyền và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm...
Một người dân dùng kích điện bắt giun đất. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân chỉ cần đầu tư một máy kích điện công suất lớn có xuất xứ từ Trung Quốc với giá từ 5-6 triệu đồng là có thể bắt giun đất với số lượng lớn mỗi ngày. Chiếc máy này nhỏ gọn, nhưng khi phát ra tiếng rè rè thì những con giun to, nhỏ nằm sâu dưới đất cũng phải ngoi lên, bất tỉnh. Người đi bắt giun nhẹ nhàng nhặt lấy.
Hiện, giun tươi được thu mua với giá 40-60 nghìn đồng/kg; giun khô có giá bán từ 700.000-900.000 nghìn đồng/kg tùy kích cỡ. Lợi nhuận khá cao như vậy nên có người dân ở một số địa phương trong tỉnh bất chấp quy định pháp luật, lén lút dùng kích điện bắt giun đất.
Một người đi bắt giun đất bằng kích điện cho chúng tôi biết không dám ngang nhiên mà đợi trời tối hoặc ngày nghỉ mới hoạt động. Để tránh việc bị cơ quan chức năng xử lý, đối tượng bắt giun bằng kích điện thường đi đơn lẻ, hoạt động 1-2 ngày rồi chuyển vùng khác.
Theo đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Con giun đất có vai trò vô cùng quan trọng với sản xuất nông nghiệp. Nó được ví như một lưỡi cày sinh học của nhà nông, làm cho đất tơi xốp, đồng thời là mắt xích quan trọng trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng, tạo điều kiện để sinh ra các chất hữu cơ có lợi cho cây trồng, giúp cây phát triển tốt.
Ngoài ra, việc đánh bắt giun đất bằng kích điện sẽ không chỉ có giun đất mà các loài sinh vật khác trong đất cũng bị tổn thương hàng loạt, chết hoặc mất khả năng sinh sản. Vì vậy, việc dùng kích điện công suất lớn để bắt giun làm môi trường đất bị suy thoái, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.
Thiết bị kích điện với công suất lớn cũng có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của người đi bắt giun, nhất là khi trời mưa, ruộng có nước.
Ông Nguyễn Văn Lăng ở xóm Hùng Vương, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), cho biết: Tình trạng kích điện bắt giun đất gây bức xúc trong dư luận và để lại những hệ lụy khôn lường cho sản xuất. Gia đình tôi chuyên trồng rau màu, cây ăn quả nên biết giá trị của giun đối với việc cải tạo đất, khi phát hiện có người đến kích điện bắt giun là ngăn cấm, báo với chính quyền.
Căn cứ theo quy định hiện hành, việc đánh bắt giun đất bằng kích điện vi phạm Khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013. Như vậy, khi phát hiện có đối tượng kích điện bắt giun, người dân cần kịp thời báo cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý.
Để bảo vệ giun đất, duy trì cân bằng sinh thái, các ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân; kịp thời xử lý nghiêm những đối tượng vì lợi nhuận nhỏ của cá nhân mà làm tổn hại tới cộng đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin