“Thu nhập chính của người dân trên địa bàn phụ thuộc vào chăn nuôi, trồng trọt nên các hoạt động, phong trào học tập theo Bác của chúng tôi đều hết sức giản dị, đời thường. Mỗi hội viên chỉ cần đóng góp từ 20-30 nghìn đồng/tháng là có thể giúp được nhiều hội viên khác có vốn làm ăn, phát triển kinh tế”. - Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Luân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phúc Hà (TP. Thái Nguyên) khi nói đến việc thực hành tiết kiệm từ mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”.
Nhờ được vay vốn từ mô hình "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm", gia đình bà Mai Thị Minh có thêm điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi. |
9 năm nay, kể từ khi Chi hội Phụ nữ xóm Mỏ, xã Phúc Hà, triển khai mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, không năm nào, bà Mai Thị Minh không tham gia. Khi có tiền, bà đóng góp từ 100-200 nghìn đồng/tháng, khi có ít thì góp 20-30 nghìn đồng/tháng.
Dù số tiền góp không nhiều nhưng khi đến lượt, bà Minh vẫn có thể vay vốn tới 40-50 triệu đồng/năm từ nguồn quỹ này. Số tiền vay được, bà đầu tư mua thêm gà, lợn giống để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Bà Minh chia sẻ: Những năm đầu, tôi chỉ dám vay vài triệu đồng để chăn nuôi, dần dà, số tiền lãi thu được từ chăn nuôi cùng với tiếp tục được vay vốn qua mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, tôi mở rộng quy mô như hiện nay. Mỗi năm, gia đình xuất bán khoảng 1,5 tấn gà ta thả vườn và 3 tấn lợn, trừ các chi phí có thể thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Số tiền vay qua mô hình của Chi hội Phụ nữ xóm hết 1 năm, tôi hoàn trả cả gốc lẫn lãi. Lãi suất vay qua mô hình thấp nên tôi yên tâm chăn nuôi.
Gia đình bà Minh chỉ là 1 trong rất nhiều hội viên được vay vốn thông qua mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” của Chi hội Phụ nữ xóm Mỏ. Hiện nay, với hơn 120 hội viên, khoảng 50% số hội viên tham gia mô hình, với số vốn dao động khoảng 300 triệu đồng/năm.
Bà Phạm Thị Giang, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Mỏ, cho biết: Chúng tôi triển khai và duy trì mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” đến nay được 9 năm, với số vốn đóng góp bình quân đạt 300 triệu đồng/năm của 2 tổ. Mỗi năm có 24 lượt hội viên có nhu cầu được vay vốn từ nguồn quỹ này.
Điều đặc biệt, hội viên tham gia mô hình có bao nhiêu tiền thì đóng góp bấy nhiêu, người đóng nhiều không so bì, ganh tị với người đóng ít. Cuối năm, các hội viên tham gia lại thu đủ số tiền mình đóng góp trong 1 năm. Toàn bộ số tiền lãi thu được, mỗi năm khoảng 15 triệu đồng, Chi hội phục vụ cho sinh hoạt chung, như: Đi du lịch, liên hoan hoặc góp vào gốc để cho hội viên vay tiếp nên các chị em rất nhiệt tình tham gia.
“Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” là một trong nhiều hoạt động học tập theo Bác mà Hội LHPN xã Phúc Hà thực hiện trong thời gian qua. Chị Nguyễn Thị Luân cho biết: Hội LHPN xã Phúc Hà hiện có 932 hội viên, sinh hoạt tại 7 chi hội. Các hoạt động được chúng tôi triển khai thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn, gắn với các phong trào tại địa phương. Các hoạt động, phong trào đã gắn kết được tình cảm chị em, cùng giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã. Năm 2022, toàn xã có 10 hộ thoát nghèo, trong đó có 6 hộ do hội viên phụ nữ làm chủ.
Với những việc làm thiết thực, cụ thể, phong trào phụ nữ thực hành tiết kiệm, làm theo Bác của Hội LHPN xã Phúc Hà đã tạo luồng sinh khí mới, có sức lan toả lớn. Từ phong trào này, các hội viên phụ nữ đã thể hiện được tình đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; vai trò của tổ chức hội ngày càng được nâng cao, trở thành chỗ dựa tin cậy của hội viên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin