Tết Độc lập trên những số báo đặc biệt 

N.K  15:46, 01/09/2023

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về nước Việt Nam độc lập. Ngày 2-9 đã trở thành ngày Tết Độc lập của cả nước. Khí thế hào hùng của dân tộc trong ngày Tết Độc lập đầu tiên đã được phản ánh chân thực trên những số báo đặc biệt phát hành dịp này. 

Tết Độc lập được thông tin trên những số báo đặc biệt.

Đầu tiên phải kể đến là ấn phẩm rất đặc biệt có tên gọi Đông Phát, phát hành đúng ngày 2/9/1945 lịch sử (được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia): Số báo xuất bản đặc biệt về Ngày Độc lập. Trên trang báo phản ánh “Chương trình chính thức cuộc mít tinh và biểu tình tại Hà Nội”.

Theo đó, lễ mít tinh ngày 2/9/1945 được mở đầu với màn bắn súng đón Chính phủ Lâm thời, trước khi chào cờ và hát bài “Tiến quân ca”. Sau khi Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được giới thiệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên bố về nền độc lập Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa, sau đó Người mới đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Sau khi bản Tuyên ngôn Độc lập vang vọng trên Quảng trường Ba Đình, Chính phủ Lâm thời đã trịnh trọng tuyên thệ trước Quốc dân đồng bào lời “Thề Độc lập”: “Sẽ kiên quyết lãnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong lúc giữ nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”. Lời thề của quốc dân cũng xuất hiện bên cạnh lời “Thề Độc lập” của Chính phủ Lâm thời, nguyện sát cánh với giữ quyền độc lập cho Tổ quốc.

Được in đậm chạy dọc trang báo là những dòng chữ như “2 giờ chiều hôm nay, toàn thể dân chúng phải tới dự Lễ độc lập”, “Dự cuộc biểu tình “Ngày Độc lập” là làm tròn phận sự một công dân Việt Nam”. Những quy định khi đến dự ngày lễ đặc biệt cũng được in rất rõ trên báo: “Các đoàn thể đến họp ở vườn hoa Ba Đình trước 13 giờ, để Ban trật tự xếp chỗ. Đoàn thể nào đến sau lúc khai mạc sẽ bị giữ lại dọc đường. Dân chúng mỗi phố dự biểu tình phải xếp đặt theo thứ tự: nhi đồng, các cụ, phụ nữ, thanh niên và bắt buộc phải có đội tự vệ đi kèm cho trật tự lúc nào cũng được hòa hảo”. 

Không chỉ thông tin chi tiết về nội dung buổi Lễ, tờ Đông Phát số đặc biệt ngày 2/9/1945 còn đăng bản đồ ghi rõ chỗ dành riêng cho các giới cũng như các lối vào vườn hoa Ba Đình. Thậm chí, Chính phủ Lâm thời còn thông báo rõ cả giờ thiết quân luật tại Hà Nội từ 23 giờ đêm đến 5 giờ sáng, với lời nhấn mạnh “theo giờ Việt Nam độc lập”, cùng giờ làm việc tại các công sở của chính quyền mới từ ngày 3/9/1945.

Cách tuyên truyền về buổi lễ mít tinh cho đồng bào cũng rất giản dị, dễ hiểu: “Đồng bào nhớ rõ: Ngày mồng 2 tháng 9 dương lịch là “Ngày Độc lập”, tức là một ngày lễ, một buổi họp lớn của Chính phủ tổ chức khắp Trung, Nam, Bắc để huy động toàn dân kiên quyết cho nền độc lập nước nhà. Vậy thì, không vì một lẽ gì người công dân Việt Nam không biết nghĩ đến sự sống còn của đất nước, không vì một lẽ gì không tới dự “Ngày Độc lập” để đấu tranh lấy sự sống còn ấy - dù mới chỉ là một cuộc đấu quyết liệt bằng tinh thần”.

Có rất ít tờ báo ra đúng ngày Chủ nhật 2/9/1945 với nội dung đặc biệt dành cho sự kiện lịch sử này, Đông Phát là tờ báo nằm trong số hi hữu đó. 

Ngoài Đông Phát, xuất bản gần nhất và cũng phản ánh đậm nét nhất về Ngày Lễ độc lập là báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền tranh đấu của Việt Minh, số 36, ra ngày 5/9/1945.

Chiếm trọn hết cả trang là Tuyên ngôn độc lập, tường thuật mít tinh và biểu tình tại vườn hoa Ba Đình trong buổi lễ “Ngày độc lập”, Lời thề của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ; Lời thề của Quốc dân; Thông cáo của Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ gửi cho các đồng chí Việt Minh và cả bài viết thông báo về cuộc họp các đại biểu báo chí chiều hôm 29/8/1945. Ở đó, ông Trần Văn Giàu - Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời Nam bộ kiêm Uỷ viên quân sự tuyên bố về việc tổ chức dân quân.

Đặc biệt, trên trang báo Cứu Quốc số ra ngày 5/9/1945 phản ánh: Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong không khí mừng vui của ngày Lễ độc lập, vẫn nhắc nhở quốc dân đồng bào không quên mối hiểm nguy trước mắt là quân Pháp kéo vào Việt Nam.

Trong ô thông tin được viền đậm nét ở cuối trang là Lời kêu gọi quốc dân đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quốc dân đồng bào! Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa. Hỡi đồng bào! Hiện một số quân Pháp đã lọt vào nước ta. Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh của Chính phủ để chiến đấu."

Cũng phản ánh về Ngày Độc lập tiên, trên báo Trung Bắc Chủ nhật, số 261, ra ngày 09/9/1945 có đăng ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và trang 5 có bài Hôm nay là ngày độc lập! Muôn năm Độc lập! Độc lập muôn năm!

Còn ấn phẩm Việt Nam dân quốc công báo, số tháng 9/1945, đăng Tuyên cáo ngày 28/8/1945 về việc thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và danh sách Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đăng Tuyên cáo của Hoàng đế Việt Nam thoái vị ngày 24/8/1945…

Số báo đặc biệt
Số báo đặc biệt nhân dịp Quốc khánh 2/9/2023 của Báo Thái Nguyên.

78 năm đã trôi qua, nhưng niềm tự hào về mốc son sáng chói trong lịch sử nước nhà vẫn lâng lâng lâng trong trái tim mọi người dân đất Việt. Trong những ngày mùa Thu lịch sử này, trên mọi nẻo đường lại rực rỡ cờ hoa, và những người làm báo Đảng lại tiếp tục xuất bản những số báo đặc biệt, để nhắc nhớ về một mùa Thu cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.



Winecellar cung cấp hộp quà tết cho doanh nghiệp toàn quốc