Bao phủ bảo hiểm y tế vùng khó: Còn nhiều thách thức

Sông Hương 07:57, 06/10/2023

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 861), các xã khu vực II, khu vực III nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì sẽ được xác định là khu vực I và thôi hưởng chính sách áp dụng đối với xã khu vực II, khu vực III. Trong đó có chính sách hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Theo Quyết định này, số người được nhận thẻ BHYT do kinh phí Nhà nước cấp trên địa bàn miền núi giảm mạnh, trong khi việc phát triển người tham gia BHYT tự nguyện vẫn còn khó khăn.

Cán bộ Bệnh viện Quân y 110, thuộc Cục Hậu cần khám bệnh cho người dân tại xã Phú Đô, huyện Phú Lương.
Bác sĩ Bệnh viện Quân y 110 (Cục Hậu cần) khám bệnh cho người dân xã miền núi Phú Đô (Phú Lương).

Số người được cấp thẻ BHYT giảm mạnh

Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: Sau khi rà soát theo Quyết định 861, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 209.000 người không còn được hỗ trợ cấp thẻ BHYT. Và sau khi rà soát, lập danh sách chuyển một số đối tượng sang nhóm được cấp thẻ BHYT khác do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng (như người có công, người nghèo, cận nghèo...), toàn tỉnh còn khoảng 108.500 người không còn được hưởng chế độ BHYT do Nhà nước chi trả.

Địa phương có số đối tượng hưởng chế độ BHYT giảm mạnh theo Quyết định 861 là các huyện Định Hóa và Phú Lương. Theo đó, huyện Định Hóa có khoảng 49.000 người không còn được cấp thẻ BHYT, huyện Phú Lương có khoảng 31.000 người.

Bà Trần Thị Bính, Trưởng phòng Dân tộc huyện Định Hóa, chia sẻ: Đến nay, 16/22 xã của huyện đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới và ra khỏi danh sách xã khó khăn, nên người dân không còn được hưởng chính sách BHYT.

Còn ông Triệu Văn Sơn, Chủ tịch xã Yên Ninh (Phú Lương), cho hay: Địa phương có trên 90% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp. Một bộ phận người dân còn khó khăn, nhận thức hạn chế nên việc vận động họ tự nguyện mua BHYT theo hộ gia đình gặp trở ngại.

Theo đại diện BHXH tỉnh, theo Quyết định 861, số người tham gia BHYT giảm mạnh, làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm vừa qua (2021-2022), chỉ tiêu bao phủ BHYT chưa đạt yêu cầu theo kế hoạch tỉnh đề ra.

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Để đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT đạt 95% trong năm 2023, BHXH tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như: tổ chức hội nghị tuyên truyền đến từng gia đình, xóm, tổ dân phố; vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình nhằm đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh...

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phát triển BHYT ở nhiều địa phương miền núi còn gặp khó khăn. Trong tổng số 108.500 người không còn được hưởng chế độ BHYT, sau khi vận động, chỉ có khoảng 65.000 người tiếp tục tham gia BHYT tự nguyện.

Trước thực tế này, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các địa phương miền núi nỗ lực phát triển đối tượng tham gia BHYT bằng việc đổi mới, đa dạng hóa các phương pháp truyền thông, tuyên truyền chính sách tới người dân, như: phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu, UBND cấp xã đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp đến nhân dân.

Ông Nguyễn Xuân Quý, Phó Giám đốc BHXH huyện Định Hóa, nói: Chúng tôi thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền trên các trang tin, báo giấy, báo hình; tích cực tuyên truyền qua các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook… để người dân tiếp cận chính sách BHYT. Tuy nhiên, kết quả vận động còn khiêm tốn.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, thời gian qua, BHXH tỉnh cũng đã tham mưu với Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của tỉnh triển khai Chương trình “Tặng thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn” để giúp đỡ đối tượng chính sách được chăm sóc sức khỏe và giảm bớt gánh nặng kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Trong năm 2022, toàn tỉnh có gần 300 người được tặng thẻ BHYT qua chương trình này.

Ngành BHXH cũng có văn bản trình HĐND, UBND tỉnh hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương để mua thẻ BHYT cho một số đối tượng yếu thế, như: người cao tuổi chưa được cấp thẻ BHYT trong độ tuổi 60-79; người khuyết tật; người không còn được hưởng chính sách BHYT theo Quyết định 861; người sinh sống tại các xã/vùng ATK…

Tuy nhiên, cùng với giải pháp từ phía các cấp, ngành thì chính người dân cũng cần thay đổi tư duy không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Nên chủ động tham gia BHYT để giúp bản thân và gia đình bớt gánh nặng chi phí lúc ốm đau, bệnh tật...