Để gia đình là điểm tựa vững chãi

Phạm Ngọc Chuẩn 08:52, 19/10/2023

Điểm tựa vững chãi của mỗi người là gia đình. Nhưng để gia đình thật sự là điểm tựa, các thế hệ trong cùng tổ ấm cần biết sống tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Đặc biệt là ông bà, cha mẹ cần luôn là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống thì mới rèn dạy nên con cháu thảo hiền.

Vợ chồng ông Dương Hồng An, xóm Cầu Giao, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên), luôn dành thời gian chỉ bảo các cháu học tập.
Vợ chồng ông Dương Hồng An, xóm Cầu Giao, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên), luôn dành thời gian chỉ bảo các cháu học tập.

Nhìn cánh diều bay cao cùng tiếng sáo vi vu gợi cảnh miền quê thanh bình, tôi liên tưởng sợi dây đang níu giữ cánh diều trên bầu trời kia như một sự ràng buộc chặt chẽ giữa những người trong cùng mái ấm, đó là gia đình. Nên dù đi đến chân trời, góc bể, ai cũng nhớ về nơi mình được sinh ra, trở về với suy nghĩ tìm chốn bình yên.

Đại gia đình ông Dương Hồng An, xóm Cầu Giao, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên), là một trong những mái ấm như thế. Ông chia sẻ: Mấy mươi năm vợ chồng chung sống, chúng tôi luôn tôn trọng nhau. 7 người con chúng tôi sinh ra nay đều đã có cuộc sống riêng. Các kỳ nghỉ lễ, tết, gia đình tôi vui như một ngày hội. 14 con trai, gái, dâu, rể và 20 cháu, chắt ríu ran chia sẻ chuyện nhà, cùng vào bếp nấu ăn. Hằng ngày, tôi thường dạy các con, cháu mình: Dù có đi đến đâu, thành đạt đến mấy cũng không được quên tổ ấm gia đình.

Nhưng cuộc sống đời thường không phải gia đình nào cũng thuận hòa trên, dưới. Bởi mặt trái của cơ chế thị trường đã làm băng hoại đạo đức, xô đẩy không ít người chạy theo lối sống thực dụng. Họ bận rộn và coi trọng vật chất mà quên đi nếp sống đạo đức thuần Việt có từ ngàn đời.

Tình cảm giữa những người thân bị mài mòn cùng thời gian, gia đình vẫn là nơi chốn tìm về song thiếu vắng đi hơi ấm tình thân. Giữa các thành viên trong gia đình thiếu sự gắn kết, không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến có hành xử thô bạo phải vào vòng lao lý...

Dù chung sống trong cùng mái nhà, nhưng giữa các thành viên có một khoảng cách lớn vì lệ thuộc vào thiết bị điện tử. Bữa cơm mỗi ngày trở nên nhạt nhẽo, mỗi người “cố gắng” chạy theo sở thích của mình. Cảnh nhà “đồng sàng dị mộng” chẳng khác người dưng.

Thay vì gặp gỡ, các thành viên trong nhà chia sẻ với nhau qua dòng tin nhắn khô khan, vô cảm. Để một lúc nào đó được thảnh thơi trên dòng trôi cuộc đời, ai cũng thèm khát được như ngày xưa. Mong gia đình thật sự là điểm tựa vững chãi cho mỗi người tìm lại yêu thương.

Với chức năng là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác gia đình trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, tập trung vào vấn đề gìn giữ đạo đức, lối sống trong gia đình, năm 2021, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; hỗ trợ nâng cao hoạt động mô hình Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”.

Kết quả từ năm 2022-2023, Sở đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về những mẫu hình, gia đình tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; phối hợp xây dựng 3 mô hình điểm tại huyện Định Hóa và Đại Từ về tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và văn hóa ứng xử trong trường học...

Chia sẻ với chúng tôi, em Ngô Tuyết Mai, học sinh Trường THCS Cù Vân (Đại Từ), cho biết: Nhiều bạn mong muốn bố mẹ mình không cãi nhau; không chửi thề; mong bố mẹ dành nhiều thời gian hơn cho con…

Lời con trẻ ngây thơ nhưng cảnh tỉnh bao bậc sinh thành. Nhiều người lớn cũng nhận ra một sự thật rằng: Những người lớn ở trong nhà không gương mẫu, con, cháu khó trở thành con ngoan, trò giỏi.

Ông Đào Phúc Sơn, 95 tuổi, tổ 4, phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên), tâm đắc: Trong gia đình có giáo dục, có văn hóa thì con cháu biết “đối nhân xử thế”; biết giữ thanh danh, không bị lây nhiễm tệ nạn xã hội cũng như các thói hư, tật xấu.

Chuyện nếp sống văn hóa trong gia đình, anh Nguyễn Thanh Lộc, xóm Hiên Minh, xã La Hiên (Võ Nhai), chia sẻ: Gia đình tôi có 4 người, gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ. Việc nhà nông bận rộn, nhưng vợ chồng biết chia sẻ công việc cũng như tình cảm, sống thuận hòa. Tôi luôn khuyến khích và cùng vợ mình làm tấm gương sáng để các con soi vào mỗi ngày. Vì thế, các cháu ngoan, lễ phép, sống hiếu thảo, được thầy cô, bạn bè quý mến.

Dù ở thời đại nào thì gia đình vẫn là cái gốc của xã hội. Chất keo gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình là lối sống có chuẩn mực đạo đức. Giản đơn là hành vi ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, người trên gương mẫu; người dưới hiếu thảo, lễ phép; vợ chồng thủy chung; anh em hòa thuận.

Bà Lý Thị Phing, xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ), nói về gia đình mình: Vợ chồng tôi có bố mẹ già; 5 con chúng tôi đã lập gia thất, các cháu tôi đều còn nhỏ. Cuộc sống trong gia đình còn khó khăn về kinh tế, nhưng tình cảm yêu thương giữa các thành viên luôn tràn ngập. Cũng nhờ sống yêu thương, sẻ chia và biết sống cho nhau, gia đình tôi mới vượt qua được những năm tháng khó khăn nhất.

Cuộc sống số. Kỹ năng số. Nhiều hoạt động xã hội được số hóa. Nhiều gia đình cũng "số hóa" tình cảm bằng cách bày tỏ với nhau qua thiết bị điện tử. Trong trường hợp vì công việc, vì học tập xa nhà thì đó là điều tốt. Nhưng cùng dưới mái nhà thì đó đâu phải hạnh phúc. Bởi con người không phải như cỗ máy, bấm nút là "OK", mà phải bằng tình cảm yêu thương chân thành, biết chăm lo, gần gũi và chia sẻ với nhau bằng hành động cụ thể.

Từ đó, các thành viên trong gia đình tìm được tiếng nói chung, cùng vun vén, tạo dựng gia đình có kết cấu bền chặt, đủ mạnh để làm điểm tựa vững chãi cho mỗi người bay cao, bay xa, giống như cánh diều đang ngược gió cùng khúc sáo vi vu trên bầu trời bình yên.