Là người thích được khám phá, trải nghiệm ở các xã vùng cao nên tôi hay đi thực tế ở những nơi này. Qua những chuyến đi, tôi nhận thấy, nhiều chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, của tỉnh đã và đang tạo sinh kế cho người dân vùng khó vươn lên. Tuy nhiên, ở một số bản người Mông của tỉnh vẫn còn hiện tượng người dân trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Mới đây, tôi có dịp đến một bản người Mông của xã V., thuộc huyện miền núi của tỉnh. Dạo một vòng quanh bản nhỏ trên núi, tôi vô cùng thích thú khi thấy nước sạch sinh hoạt đã được đưa về tận hộ dân. Tôi vui vẻ nói chuyện với một người đàn ông trung tuổi: Nhà nước hỗ trợ cho bà con có nước sạch để dùng tốt quá rồi bác nhỉ! Người dân trong bản không còn phải đi gùi nước ở trên núi về nữa.
Bác nhìn tôi rồi lại nhìn vòi nước, lắc đầu quầy quậy, nói: Nhà nước chỉ xây cho công trình cấp nước trên núi và đường ống to dẫn nước thôi, bọn mình vẫn phải mua ống nhỏ rồi tự lắp để đưa được nước về nhà dùng. Chúng mình còn nghèo lắm, đáng ra Nhà nước phải đầu tư hết cho người nghèo mới đúng…
Đang rất vui vẻ, sau khi nghe lời chia sẻ của bác, tâm trạng của tôi trùng xuống. Khi đi ngang qua ngôi nhà của một đôi vợ chồng trẻ nhưng đã có đến ba đứa con, tôi lại nghe chị vợ than vãn, năm nay, bọn trẻ nhà chị chưa đươc tặng quần áo ấm khi mà mùa Đông đang đến gần…
Mỗi bước đi của tôi thêm nặng trĩu khi nghe thấy người dân nơi đây không chỉ “yêu cầu” được tặng áo ấm, hỗ trợ gạo, tiền… mà còn không muốn đối ứng kinh phí để xây ngôi nhà mới, dù nhà ở của họ đã xuống cấp nghiêm trọng…
Người dân luôn muốn mọi thứ đều phải được Nhà nước cho hết và bà con chỉ việc nhận nên nhiều người lười lao động, chưa chủ động trong phát triển kinh tế gia đình… Thậm chí nhiều hộ dân khi được hỗ trợ cây, con giống nhưng không tích cực đầu tư công sức để chăm sóc nên thất bại…
Chính tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước như thế đang là rào cản khiến công tác xóa nghèo ở các xã có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh gặp không ít trở ngại. Lâu nay, để khai thông tư duy, suy nghĩ của bà con, công tác tuyên truyền, vận động luôn được các cấp, ngành xem trọng. Tuy nhiên, cùng với tuyên truyền, các cấp, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cũng nên có sự rà soát để xây dựng kế hoạch đầu tư cho người dân vùng cao, nhất là tại các bản người Mông sao cho phù hợp, đúng trọng tâm, trọng điểm, tránh để bà con có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin