Sớm đầu Đông, ngồi thư thả bên tách cà phê, tôi xoa xoa tay cho đỡ lạnh và thưởng thức món sắn hấp nước cốt dừa thơm ngào ngạt mà chị bạn mang tới. Chị nói như khoe: Xưa ăn phát sợ, giờ lại thèm. Ở khu gần nhà chị có bà bán ngon lắm. Ngày nào đi qua, chị cũng trêu bà ấy là hôm nay bà bán món “ký ức đói nghèo” có đắt hàng không?
Với nhiều người, món “ký ức đói nghèo” chính là khoai sắn, bởi hồi xưa, hầu như nhà nào cũng phải ăn sắn, ngày qua ngày, bữa qua bữa đều phải cố nuốt trôi, lấp đầy cái bụng đói bằng sắn thay cơm. Và chị em tôi thế hệ 7X, 8X đời đầu cũng không ngoại lệ, ai lớn lên mà không từng trải qua tuổi thơ gắn liền với sắn, khoai.
Nhà tôi khi ấy, thi thoảng mẹ mới nấu một bữa cơm trắng nhưng trộn lẫn sắn tươi bào nhỏ thành sợi hấp cùng. Để mọi người trong nhà đỡ ngán, mẹ chế biến thành các món ăn như sắn luộc, nướng, làm bánh và nấu canh. Sau bữa ăn, mẹ thường múc cho mỗi người một bát canh lá khoai lang, mẹ bảo như vậy sẽ không bị nóng bụng và say sắn. Thỉnh thoảng, mẹ nghiền bột sắn khô làm bánh. Món bánh này trộn với đường hoặc muối hấp lên hay rán ăn đều rất ngon.
Tôi chẳng thể quên những mùa Đông bên bếp lửa nồng ấm, khi học bài xong, chị em tôi vùi vào tro mấy củ sắn nướng. Đợi sắn chín, chúng tôi chí choé lấy ra, vừa thổi phù phù vừa ăn, rồi nhìn bàn tay và khuôn mặt lấm lem của nhau cười khúc khích.
Mỗi khi nhớ về khoảng ký ức đầy yêu thương ấy, tôi lại nhớ đến mẹ và chị Hai, bất giác lẩm nhẩm đọc lời thơ trong bài “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt: “Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi”. Và tôi thầm cảm ơn món sắn dân dã đã nuôi dưỡng chị em tôi và biết bao thế hệ người dân quê tôi vượt qua những ngày tháng nghèo đói vụ giáp hạt năm xưa…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin