Mười năm “xây” Tết cùng người lao động

Theo nhandan.vn 10:46, 25/01/2024

Chương trình Tết Sum vầy sau 10 năm tổ chức với quy mô toàn quốc đã thể hiện sự thống nhất, tinh thần quyết tâm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn trong đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, lợi ích của đoàn viên, người lao động ngày càng được chăm lo tốt hơn, bảo vệ tốt hơn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, Chương trình đã trở thành “thương hiệu” của tổ chức Công đoàn, là sự kiện nổi bật, niềm mong đợi của đoàn viên, người lao động cả nước vào dịp Tết đến, Xuân về.

Tổ chức thi gói bánh chưng tại Chương trình Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ năm 2024 do Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức.
Tổ chức thi gói bánh chưng tại Chương trình Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ năm 2024 do Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức.

Từ năm 2014 về trước, việc công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động đã được triển khai rải rác tại một số công đoàn cơ sở, nhưng chưa có một tên gọi thống nhất.

Nhân văn, đoàn kết, tạo sức lan tỏa sâu rộng

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc và sự lan tỏa cao của sự kiện này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động và các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Đến năm Ất Mùi 2015, Tết Sum vầy đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Từ hiệu quả và tính lan tỏa của Chương trình, Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định triển khai Chương trình “Tết Sum vầy” trên toàn quốc, với quy mô ngày càng lớn, mục tiêu ngày càng rõ, hiệu quả ngày càng cao. Góp phần quan trọng trong việc ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp, giữ chân được công nhân, lao động quay trở lại doanh nghiệp làm việc sau Tết Nguyên đán, thực hiện tốt chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo Tết cho các tầng lớp nhân dân.

Đây cũng là phương thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở, tại cơ sở, vì đoàn viên và người lao động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

Kể từ đó, Tết Sum vầy đã tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng doanh nghiệp, dần trở thành “nhu cầu” và trách nhiệm của doanh nghiệp chăm lo cho người lao động. Tinh thần nhân văn, đoàn kết là điểm nhấn giúp các chương trình “Tết Sum vầy” của tổ chức Công đoàn có sức lan tỏa lớn, tạo được sự đồng thuận cao từ doanh nghiệp và cộng đồng. Nhiều hoạt động phong phú, thiết thực đã được triển khai, như chương trình món quà ngày Xuân cho người lao động về quê; tổ chức đón Tết cho người lao động ở lại và những người đón Xuân trong các ca kíp trực; chăm lo cho người lao động khó khăn, mất việc làm, ốm đau, bị tai nạn lao động, bị thiên tai, lũ lụt...

Thực tế 10 năm qua, các cấp công đoàn đã tổ chức hơn 133 nghìn hoạt động thăm hỏi, động viên người lao động; trao quà cho hơn 18 triệu đoàn viên, người lao động với tổng số tiền gần 8 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó là trao tặng gần 11 nghìn “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trao tặng gần 438 tỷ đồng. Hỗ trợ, trợ cấp cho hơn 6,7 triệu đoàn viên, người lao động không về quê đón Tết với tổng số tiền gần 4.500 tỷ đồng.

Những phần quà Tết, những lời thăm hỏi, động viên ân cần được gửi gắm và trân trọng trao tận tay đoàn viên và người lao động trước thềm năm mới luôn là tình cảm của cán bộ công đoàn cả nước, với mong muốn mỗi đoàn viên, người lao động cảm nhận được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng doanh nghiệp, đất nước.

Năm này, tiếp nối năm sau, trong hành trình 10 năm qua, Tết Sum vầy đã mang Tết sớm đến với đoàn viên, người lao động bằng các hoạt động đã trở thành nền nếp như: Chương trình Tết Sum vầy, Chợ Tết Công đoàn, Tổ chức, hỗ trợ phương tiện (xe ô-tô, tàu hỏa, máy bay) đưa, đón miễn phí cho lao động về quê đón Tết; tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết đầm ấm, vui tươi cho những người lao động không về quê đón Tết tại các doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu nhà trọ…

Niềm vui của đoàn viên, người lao động khi tham gia chương trình “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ năm 2024” tại Quảng trường Vạn Xuân (TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: T.L
Niềm vui của đoàn viên, người lao động khi tham gia chương trình Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ năm 2024 tại Quảng trường Vạn Xuân (TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: T.L

Đồng tâm làm sâu sắc thêm Tết Sum vầy

Nguyễn Thị Tặng, 35 tuổi, công nhân Công ty TNHH Padmac Việt Nam (Khu công nghiệp Bảo Minh, Nam Định), quê ở Cà Mau. 15 năm theo chồng ra bắc, cô mới chỉ được một lần về miền đất Mũi thăm bố mẹ. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đón Tết cổ truyền, nỗi nhớ quê hương, cha mẹ luôn đau đáu trong cô nhưng hoàn cảnh khó khăn, đành lực bất tòng tâm.

Chiều 20/1/2024, Nguyễn Thị Tặng được tham dự chương trình “Tết Sum vầy-Xuân chia sẻ” do Liên đoàn Lao động tỉnh Nam định tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên cô được chiêm ngưỡng một sân khấu lớn đến vậy, có múa lân, ca nhạc và lãnh đạo tỉnh tham dự vui Tết cùng công nhân lao động. Tại đây, cũng như nhiều công nhân khác, Tặng được công đoàn tặng phong bì trị giá 500 nghìn đồng, phần quà trị giá 150 nghìn đồng và phiếu mua hàng tại “Chợ Tết Công đoàn” trị giá 100 nghìn đồng. Niềm vui lớn gấp bội khi Tặng được biết, Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, công đoàn công ty sẽ hỗ trợ vé máy bay cho Tặng trở về quê đón Tết cùng mẹ cha.

Đôi mắt rơm rớm vì xúc động, Nguyễn Thị Tặng giãi bày: Nếu được, em mong muốn được đổi thành tiền để cho thêm mấy đứa con đi ô-tô về Cà Mau. Nếu được hỗ trợ, khoảng 23-24 tháng Chạp em về, mồng 10 tháng Giêng sẽ quay ra đi làm. Chiều muộn, với gói quà tặng và những món đồ sắm được, Tặng cùng đồng nghiệp vui sướng trở về. Nhìn ánh mắt lấp lánh của cô, chúng tôi biết, đường về nhà sum vầy Tết với cha mẹ đang đến rất gần. Trong mười năm tổ chức Tết Sum vầy, công đoàn đã giúp gần 2,7 triệu lượt đoàn viên, người lao động như công nhân Nguyễn Thị Tặng được trở về nhà miễn phí như thế với tổng số tiền hơn 629 tỷ đồng.

Đồng tâm để làm sâu sắc hơn Tết Sum vầy, cũng từ đây, nhiều cấp công đoàn đã có những cách làm sáng tạo, thiết thực, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, mang lại không khí vui tươi, ấm áp cho người lao động, như: Chương trình Tết Sum vầy của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội qua từng năm đều có sự đổi mới, góp phần tăng số lượng và mức hỗ trợ đoàn viên khó khăn. Tại các chương trình, đều tổ chức các hội thi gói bánh chưng, trang trí mâm cỗ ngày Tết; mang hương vị Tết cổ truyền đến với đoàn viên, người lao động tại các khu nhà trọ, nhà lưu trú…

Chương trình “Xuân nghĩa tình Dầu khí” được tổ chức trên các công trình, dự án, các đơn vị của ngành Dầu khí từ bắc vào nam, trên các giàn khoan và công trình trên biển. Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt 10 nghìn hộ gia đình công nhân tiêu biểu tại Công viên Đầm Sen trong những ngày Tết để gia đình công nhân đến vui chơi, tham gia các hoạt động gắn kết do Công đoàn tổ chức. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương triển khai chương trình “Tết ấm áp với gia đình công nhân có người thân tử vong do Covid-19”, không chỉ hỗ trợ tiền, mà cán bộ công đoàn còn trực tiếp cùng người lao động sửa chữa, trang hoàng nhà cửa, mua sắm vật dụng thiết yếu đón Tết.

Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam tổ chức thăm, tặng quà, vui Tết cho những người lao động đầu tiên vào ở tại khu nhà ở thuộc thiết chế công đoàn. Chương trình Tết Sum vầy cũng đã đến với người lao động và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi biên giới, hải đảo, đem đến cho nơi này bầu không khí đầm ấm, vui tươi và kết đoàn.

Chương trình Tết Sum vầy còn được sự quan tâm của hơn 5 nghìn đợt thăm hỏi của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương đến thăm và trao quà cho gần 1,1 triệu công nhân lao động với tổng số tiền hơn 173 tỷ đồng. Việc tổ chức các đoàn do lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm và tặng quà cho đoàn viên công đoàn và người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm, thể hiện sự quan tâm, động viên kịp thời, thiết thực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn đối với đoàn viên, người lao động.

Đánh giá về chương trình Tết Sum vầy, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Với phương châm “không để đoàn viên, công nhân lao động không có Tết” và “ở đâu có công nhân lao động gặp khó, ở đó có tổ chức Công đoàn”, Chương trình Tết Sum vầy đã ngày càng trở nên thiết thực, mang đậm dấu ấn, trở thành “thương hiệu” của tổ chức Công đoàn trong thực hiện sứ mệnh cao cả chăm lo tốt hơn, bảo vệ hiệu quả hơn quyền lợi của đoàn viên, người lao động.

Đây là hoạt động đổi mới cả về nội dung và hình thức mang đậm màu sắc và vai trò của Công đoàn Việt Nam, là kết quả sau một hành trình dài với quyết tâm và nỗ lực ở tất cả cấp công đoàn, là sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, là sự tạo điều kiện và hỗ trợ của Chính phủ trong triển khai thực hiện.

Nhìn lại 10 năm, đã có 168.243 Chương trình “Tết Sum vầy” được tổ chức ở tất cả 4 cấp công đoàn, thu hút hơn 29 triệu lượt đoàn viên, người lao động tham gia. Tại Chương trình có hơn 24,1 triệu lượt đoàn viên, người lao động khó khăn được tặng quà, tổng số tiền hơn 17.210 tỷ đồng.


Cách tạo cv đẹp, chất lượngDanh mục hộp quà tặng doanh nghiệp nhập khẩu