Tính đến hết năm 2023, Thái Nguyên đã có 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và tiếp tục duy trì là tỉnh dẫn đầu vùng trung du miền núi phía Bắc trong xây dựng NTM. Thành quả này chính là kết tinh của việc hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua "Thái Nguyên chung sức xây dưng NTM" giai đoạn 2021-2025, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM và đô thị văn minh” của người dân và cả hệ thống chính trị.
Người dân xã Văn Yên (Đại Từ) tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng đường xóm từ 3m lên 6m. |
Từ phong trào nhiều ý nghĩa này, diện mạo nông thôn Thái Nguyên đã có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội. Các mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống của người dân được cải thiện. Riêng năm 2023, tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM; 15 xã NTM nâng cao (vượt 3 xã so với kế hoạch); 5 xã NTM kiểu mẫu (vượt 1 xã so với kế hoạch); 2 huyện đạt chuẩn NTM là Định Hóa và Đại Từ, trong đó, huyện Định Hóa về đích NTM trước 7 năm so với kế hoạch.
Ông Vũ Mạnh Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên) cho biết: "Chung sức xây dựng NTM" đã trở thành phong trào rộng khắp, thu hút sự tham gia của toàn xã hội. Thông qua phong trào, người dân đã chủ động phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM.
Thời gian qua, để phong trào được triển khai sâu rộng, Thái Nguyên đã phát động trên 460 cuộc ra quân xây dựng NTM, với trên 260.870 lượt người tham gia. Với sự lan tỏa tích cực, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Nhờ đó, toàn tỉnh đã vận động người dân hiến trên 81,8ha đất và tài sản trên đất, kinh phí huy động xã hội hoá đạt trên 86,4 tỷ đồng… Trong đó đã xuất hiện những điển hình như phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” tại Đại Từ, người dân đã hiến trên 33,8ha đất và tài sản trên đất, kinh phí huy động xã hội hóa đạt trên 54 tỷ đồng…, góp phần đưa huyện cán đích NTM trước 1 năm so với kế hoạch.
Người dân xóm Hin (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình) vệ sinh môi trường. Ảnh: T.L |
Hay như tại huyện Phú Lương, cán bộ và nhân dân xóm Pháng 2, xã Phú Đô, hiến trên 5.000m2 đất; cán bộ và nhân dân xóm Thanh Đồng, xã Yên Đổ, hiến trên 4.500m2 đất. Đáng nói, nhiều gia đình tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng vẫn tự nguyện hiến đất, tài sản để đóng góp cho cộng đồng. Tiêu biểu có các gia đình: Ông Hoàng Xuân Cảnh, xã Động Đạt, hiến hơn 1.000m2 đất; ông Lâm Minh Đức, xã Phú Đô, hiến 1.600m2 đất; ông La Văn Đậu, xã Phú Đô, hiến trên 2.000m2 đất...
Một số hộ không chỉ hiến đất mà còn phá dỡ tường rào và các công trình trên đất để làm đường giao thông nông thôn, như gia đình các ông Hoàng Quốc Toản, Nguyễn Trọng Hùng, Hoàng Xuân Thanh, Đỗ Văn Hoan, ở xã Cổ Lũng; Nguyễn Xuân Trọng, xã Vô Tranh; Bùi Văn Minh, xã Vô Tranh hiến 300m2 đất và đóng góp 50 triệu đồng...
Từ thực tế những năm qua cho thấy phong trào "Chung sức xây dựng NTM" đã được tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện rất tích cực, với nội dung phong phú, hình thức đa dạng. Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng chuyên trách Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, đánh giá: Nhiều phong trào thi đua chuyên đề tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những khó khăn, mặt còn yếu kém của đơn vị, địa phương, với các hình thức thi đua phong phú, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực... Đây chính là những nhân tố giúp phong trào thi đua "Chung sức xây dựng NTM" lan tỏa sâu rộng trên địa bàn tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin