Những ngày đầu Xuân mới, không khí ở Khu điều trị phong Phú Bình thật ấm áp, yên bình. Sau những ngày Tết Giáp Thìn 2024 đong đầy tình yêu thương, các bệnh nhân ở Khu điều trị rất vui, hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cộng đồng, các nhà hảo tâm.
Cụ Hoàng Thị Quýt, bệnh nhân ở Khu điều trị phong Phú Bình, luôn nhận được sự quan tâm của các con, cháu. |
Sang Xuân, nắng bừng lên mang theo hơi ấm của đất trời. Trong những căn phòng nhỏ của bệnh nhân, bao món quà Tết như bánh chưng, mứt Tết… vẫn còn dư lại ít nhiều. Cụ Hoàng Thị Quýt, 80 tuổi, cho hay: Tôi vào điều trị ở đây từ năm 1960. Cũng ở Khu điều trị này, tôi và ông xã đã nên duyên chồng vợ. Cùng là bệnh nhân với nhau nên chúng tôi đồng cảm và yêu thương nhau lắm. Rồi 4 cậu con trai lần lượt ra đời khỏe mạnh, lớn lên, có cuộc sống ổn định, yên bề gia thất, chúng tôi càng hạnh phúc hơn. Ông nhà tôi đã mất gần 7 năm trước, các con đều có nhà riêng và muốn đón mẹ về ở cùng, nhưng tôi vẫn muốn ở lại nơi này bầu bạn với những người đã bên tôi mấy chục năm qua.
Cũng theo chia sẻ của cụ Quýt, trước đây, cuộc sống của những bệnh nhân phong gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, sau này, bệnh nhân được quan tâm hơn rất nhiều. Đặc biệt, khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức, đoàn thể trong, ngoài tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm hơn cho Khu điều trị và những bệnh nhân.
Còn cụ Đàm Thị Đông, 85 tuổi, khoe: Dịp trước Tết, Khu điều trị đông vui, nhộn nhịp lắm! Từng đoàn xe nối đuôi nhau về đây tặng quà chúng tôi. Dù không có con cái, nhưng chúng tôi không còn cô đơn. Giờ, chúng tôi đã được cộng đồng quan tâm chia sẻ, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Những món quà như tiền mặt, bánh chưng, gạo và cả những bữa cháo đong đầy tình yêu thương khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng.
Cụ Quýt, cụ Đông là 2 trong 52 bệnh nhân đang điều trị tại Khu điều trị phong Phú Bình. Bác sĩ Dương Thế Huyên, Trưởng khu điều trị, cho hay: Thành lập từ những năm 1960, thời điểm đông nhất, Khu điều trị có khoảng 370 người. Theo năm tháng, nhiều bệnh nhân cao tuổi đã qua đời, một số thì trở về quê sống cùng con, cháu. Hiện, bệnh nhân tại Khu điều trị chủ yếu ở tuổi từ 70 trở lên. Dù đã được điều trị khỏi nhưng di chứng vẫn còn nên sinh hoạt hằng ngày của các bệnh nhân gặp khá nhiều khó khăn. Trong khi đó, đời sống vật chất, tinh thần tuy đã được cải thiện hơn trước nhưng vẫn còn không ít thiếu thốn. Bởi vậy, sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng, nhà hảo tâm… đã tiếp thêm niềm tin yêu cuộc sống và san sẻ phần nào với bệnh nhân.
Những bệnh nhân tại Khu điều trị phong Phú Bình luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. |
Đến Khu điều trị phong Phú Bình, chúng tôi không chỉ cảm nhận được sự quan tâm của cộng đồng dành cho bệnh nhân mà còn vui lây với sự lạc quan, đoàn kết của những người đã ở cái tuổi xưa nay hiếm.
Cụ Phạm Văn Tính, 92 tuổi, nói: Gắn bó cùng nhau mấy chục năm nay, những người bạn già san sẻ với tôi từng bát cơm, cây rau (nhiều bệnh nhân chủ động trồng rau trên đất của Khu điều trị). Cả những khi trái nắng, trở trời, đau nhức xương khớp, chúng tôi cũng hỗ trợ nhau trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày…
Nơi từng hoang vắng, tiêu điều này, nay đã trở nên có sức sống khi đang có hơn 30 hộ dân sống bên ngoài là con, cháu của các bệnh nhân. Chị Nguyễn Thị Nga, con dâu cụ Quýt, cho biết: Chồng tôi, các con tôi là những thế hệ nối tiếp lớn lên ở “trại phong”. Dù đã từng gặp nhiều gian khó nhưng thế hệ sau luôn nỗ lực để trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Chúng tôi rất vui khi nghe những tâm sự của chị Nga. Mỗi mùa Xuân về, các cụ lại thêm một tuổi, thêm già đi, nhưng tinh thần của mọi người như trẻ lại khi ngoài sự quan tâm của cả cộng đồng và xã hội còn có sự yêu thương của những thế hệ tiếp nối. Đó là những công dân khỏe mạnh, được học hành và đang vững vàng vươn lên trong cuộc sống hôm nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin