Thị trường lao động những tháng đầu năm 2024 đã khởi sắc trở lại khi nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tuyển thêm người lao động (NLĐ) để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm nên đến nay nhiều DN vẫn "khát" lao động.
Các địa phương trong tỉnh tăng cường tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu lao động để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Ảnh: T.L |
Từ đầu năm đến nay, nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh liên tục tuyển dụng NLĐ với số lượng lớn, song vẫn chưa hoàn thành theo kế hoạch.
Đơn cử như tại Công ty TNHH SR Tech ở KCN Sông Công I, TP. Sông Công (chuyên gia công, lắp ráp các thiết bị điện tử) hiện đang cần tuyển từ 200-300 lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Mặc dù Công ty đã đẩy mạnh tuyên truyền (như treo thông báo tuyển dụng tại trụ sở Công ty; chia sẻ lên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook để giúp người tìm việc dễ tiếp cận hơn...) nhưng số lượng công nhân tuyển mới chỉ đáp ứng được từ 20-30% so với nhu cầu. Tương tự, đối với Công ty TNHH Dowooinsys Vina ở KCN Sông Công II, để đáp ứng số lượng đơn hàng gần 320 nghìn sản phẩm/tháng, đơn vị này cần thêm 200-300 NLĐ. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, số lượng NLĐ tuyển mới chưa bằng 2/3 so với kế hoạch.
Không riêng DN có vốn đầu tư nước ngoài, đối với DN trong nước cũng khó khăn để tuyển thêm NLĐ, trong đó tập trung vào một số ngành nghề như may mặc, vận tải, cơ khí... Cụ thể như tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT với ngành nghề may xuất khẩu ở cả 2 chi nhánh thuộc huyện Đại Từ và Phú Bình đang tuyển thêm từ 100-200 công nhân may. Vậy nhưng, suốt nhiều tháng qua, mỗi chi nhánh cũng chỉ tuyển được vài chục NLĐ mới.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt lao động tại các DN trong những tháng đầu năm 2024 là do trước đó nhiều DN “đói” đơn hàng sản xuất, không bảo đảm thu nhập khiến một lượng lớn công nhân, lao động đã nghỉ việc hoặc tìm việc làm ổn định ở lĩnh vực khác. Bước sang đầu năm nay, khi nền kinh tế toàn cầu dần hồi phục và các DN ký được nhiều đơn hàng đến hết quý I, II và thậm chí quý III/2024 đã khiến cho nhu cầu tuyển mới NLĐ tăng cao trở lại. Ngoài lý do chính này thì cũng có những DN cần tuyển bổ sung cho số NLĐ biến động liên tục do "nhảy" việc. Trước tình trạng thiếu hụt NLĐ, các DN tìm nhiều cách để khắc phục như: Cho NLĐ tăng ca sản xuất; đầu tư thêm các dây chuyền máy móc tự động để thay thế NLĐ và tăng năng suất làm việc; giảm bớt số lượng đơn hàng...
Theo báo cáo của Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), trong quý I/2024 có 29 DN đăng ký tuyển dụng hơn 9.000 NLĐ ở nhiều vị trí việc làm (sản xuất linh kiện điện tử - may công nghiệp; nhân viên cơ khí - điện; lao động phổ thông...). Kết quả, Trung tâm kết nối, giới thiệu việc làm thành công được 500 NLĐ (bằng 5% so với nhu cầu tuyển dụng của các DN)
Từ thực tế có thể thấy, mặc dù thị trường lao động đang khởi sắc trở lại nhưng các DN vẫn khó tuyển dụng NLĐ là do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên có thể kể đến là NLĐ ở ngoại tỉnh có nhiều sự lựa chọn nơi làm việc hơn so với trước do đa số các địa phương đều có các KCN, khu kinh tế thu hút nhiều DN đến đầu tư và hoạt động giống như Thái Nguyên. Nhiều khu, cụm công nghiệp tại một số tỉnh, thành phố còn có các thiết chế xã hội đồng bộ phục vụ đời sống NLĐ (ký túc xá, nhà ở xã hội...) đã tạo thành cực “nam châm” thu hút NLĐ. Bên cạnh đó thì một bộ phận NLĐ hiện nay chưa đáp ứng được điều kiện của DN; chế độ phúc lợi cũng như tiền lương, tiền thưởng của DN thấp dẫn đến nhiều NLĐ thường xuyên “nhảy” việc.
Do thị trường trong nước và xuất khẩu phục hồi nên nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang cần tuyển thêm lao động để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm cơ khí xuất khẩu tại Công ty TNHH BIGL Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Công II). Ảnh: N.N |
Để tháo gỡ khó khăn, các DN có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn NLĐ cần quan tâm hơn nữa đến tiền lương, thưởng và các chế độ, chính sách về phúc lợi để thu hút NLĐ. Đây được xem là giải pháp căn cơ vì nếu DN có các chính sách đãi ngộ tốt, nhiều cơ hội phát triển, môi trường làm việc an toàn thì việc tuyển dụng lao động sẽ thuận lợi. Đồng thời chính NLĐ sẽ làm "cầu nối" để giới thiệu người thân, bạn bè vào làm việc khi DN có nhu cầu nhân sự. Về phía NLĐ cần chủ động nâng cao tay nghề, cập nhật thông tin để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của DN và sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động. Song song với các giải pháp tự thân của NLĐ và DN thì phía Nhà nước cũng cần tăng cường hỗ trợ DN trong việc tuyển dụng thông qua các hoạt động như: Xúc tiến, kết nối cung - cầu lao động, việc làm; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm, thu hút dự án phát triển các thiết chế xã hội tại các khu, cụm công nghiệp để tạo sự cạnh tranh trong việc lực hút nguồn nhân lực từ các tỉnh, thành phố đến làm việc tại tỉnh...
Trong quý I/2024, số lao động làm việc tại các DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo loại hình: DN Nhà nước giảm 1,69%; DN ngoài Nhà nước tăng 7,43%; DN có vốn đầu tư nước ngoài giảm 4,05%. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin