Xã vùng cao Cúc Đường (Võ Nhai) hôm nay đã có nhiều đổi thay. Dẫu vậy, công tác giảm nghèo của địa phương vẫn gặp không ít khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là hộ đồng bào dân tộc Mông, đời sống vẫn bấp bênh “ăn bữa nay lo bữa mai” mùa giáp hạt. Năm 2024, qua rà soát, xã vẫn còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 15%; 33 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 5%. Với quyết tâm cao, Cúc Đường đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.
Nhiều hộ người Mông Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) tích cực đưa giống ngô lai vào sản xuất, giúp tăng sản lượng, đảm bảo nguồn lương thực phục vụ chăn nuôi, tăng thu nhập... |
Trước đây, con đường vượt "cái nghèo" của gia đình anh Ngô Văn Hạnh, 33 tuổi, người dân tộc Mông, xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường tưởng như không có “lối thoát” khi nhà ở tạm bợ, thiếu đất canh tác, thiếu cả vốn phát triển sản xuất... Trong tình cảnh khó khăn ấy, năm 2023, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng sửa chữa nhà ở, xây mới nhà vệ sinh. Cùng với đó, gia đình anh cũng tập trung phát triển kinh tế. Anh Hạnh nói: Có ngôi nhà chắc chắn, vợ chồng mình yên tâm làm ăn, nuôi dậy 2 con nên người. Năm nay, gia đình mình đã được công nhận thoát nghèo.
Tương tự, anh Hoàng Văn Tý, 37 tuổi, người dân tộc Mông, xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường cũng là một trong những hộ dân đã thoát nghèo trong năm 2023. Anh cho hay: Gia đình mình được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà mới và 19,5 triệu đồng mua trâu, bò về nuôi. Nhờ đó, cuộc sống của vợ chồng mình đã không còn khó khăn như trước nữa.
Trò chuyện cùng một số hộ dân đã thoát nghèo ở Cúc Đường, chúng tôi nhận thấy bà con ai cũng phấn chấn. Đặc biệt là những hộ người dân tộc Mông, sau khi được nhận hỗ trợ của Nhà nước đều có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình chứ không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Theo bà Nông Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cúc Đường: Để bà con có ý chí vươn lên thoát nghèo thì công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. Khi ý nghĩ, tư duy của đồng bào được khai thông, các hộ dân sẽ chủ động, tích cực làm chủ cuộc sống của mình.
Cùng với công tác tuyên truyền, việc thành lập ban chỉ đạo, phân công thành viên theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo tại các xóm, bản cũng được xã quan tâm. Theo đó, với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị của xã, những hộ nghèo được giúp lập kế hoạch phát triển kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất. Những hộ thiếu việc làm, xã vận động các nguồn lực giúp bà con làm ăn, tìm kiếm việc làm. Những hộ dân thiếu vốn, xã hỗ trợ bà con được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bà Hạnh cho biết thêm: Để giảm nghèo bền vững, địa phương đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho công tác giảm nghèo, nhất là hỗ trợ đúng đối tượng (hỗ trợ hộ khó khăn về nhà ở; thiếu vốn sản xuất…). Đồng thời, hỗ trợ việc học tập của con em hộ nghèo, cận nghèo gặp rủi ro; nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả để tạo thêm việc làm cho người nghèo, trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng. Song hành với đó là lồng ghép thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực khác, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Thực tế cho thấy, dù tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn chiếm trên 20% số hộ dân toàn xã nhưng không thể phủ nhận, xã vùng cao này đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. So với đầu năm 2023, đến nay, xã đã giảm được trên 10% hộ nghèo và 4,3% hộ cận nghèo. Ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã cho rằng: Chúng tôi luôn phấn đấu để tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của địa phương, chúng tôi rất mong tỉnh, huyện tiếp tục hỗ trợ xã đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu. Qua đó, giúp xã có điều kiện phát huy tối đa thế mạnh, tạo ra khởi sắc mới, khí thế mới…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin