Hãy để con là duyên!

Bảo Trân - Lăng Khoa 09:41, 26/05/2024

Không chỉ năm Giáp Thìn, mà câu chuyện gia tăng dân số trong các năm được coi là đẹp cũng đã xảy ra trong một vài năm trở lại đây… Một câu hỏi đặt ra là liệu những đứa trẻ sinh ra vào năm đẹp, ngày đẹp có thực sự trở thành “nhân tài” như kỳ vọng của các bậc cha mẹ? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Chuyên gia tâm lý Lê Thị Phương Hoa (Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên).

Gia đình chị Nguyễn Thị Luận, xã Tân Hoà (Phú Bình) đón bé rồng vừa mới chào đời.

PV: Thưa bà, đâu là những nguyên nhân khiến nhiều gia đình lựa chọn năm đẹp để sinh con?

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Phương Hoa: Có thể nói, việc chọn năm sinh cho con đã trở thành suy nghĩ phổ biến của nhiều gia đình. Có một số lý do dẫn tới điều này. Thứ nhất, dựa trên yếu tố tâm linh "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", chọn sinh vào các năm “Đinh, Nhâm, Quý, Giáp” vì thường có số mệnh giàu có, giỏi giang; còn những người thuộc can “Canh cô, Mậu quả” thì bất lợi trên đường đời nên tránh sinh. Thứ hai, theo phong thủy, nhiều cặp vợ chồng tin nếu tuổi con hợp tuổi bố mẹ sẽ rất tốt cho con đường làm ăn, công danh sự nghiệp của bố mẹ và ngược lại. Thứ ba, nhiều người chạy theo tâm lý đám đông, gắn chữ "vàng" vào các năm để cổ súy cho việc tìm kiếm sinh con như "heo vàng", "chuột vàng", "trâu vàng", "dê vàng"... Các nguyên do này đều xuất phát từ các bậc làm cha, làm mẹ muốn những điều tốt nhất cho con. Tuy nhiên, tất cả đều không có căn cứ khoa học chứng minh.

PV: Thực tế, sinh con năm đẹp có thể dẫn đến những hệ lụy như thế nào, thưa bà?

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Phương Hoa: Thực tế, việc các gia đình ồ ạt sinh con năm đẹp đã vô tình tạo ra một sức ép về dân số đến các yếu tố giáo dục, y tế, việc làm, ảnh hưởng đến phúc lợi xã hội. Trong lúc chờ những cái được gọi là "đẹp" này được kiểm chứng thì nhiều người đã phải trả giá đắt cho sự lựa chọn "ép". Đơn cử như năm Nhâm Thìn 2012, tại Thái Nguyên có 23.649 trẻ ra đời, cao hơn nhiều so với các năm liền kề. Thời điểm đó, tại Trường Tiểu học Đội Cấn (TP. Thái Nguyên) đã phải bố trí tăng thêm 1 lớp, sĩ số mỗi lớp khoảng 50 học sinh, gây áp lực lớn về cơ sở vật chất cũng như điều kiện dạy và học tại nhà trường. Sau này, các con cũng phải đối mặt với thách thức trong các cuộc đua “chạy trường, chạy lớp, chạy việc”... Nếu người lớn không tế nhị, trẻ con sinh năm đẹp có thể nảy sinh tâm lý ỉ lại, không cố gắng, trông chờ vào số mệnh, vận mệnh. Hay nhiều người tìm mọi cách để sinh con vào năm đẹp, bất chấp điều kiện kinh tế, sức khỏe của bản thân, gia đình. Họ truyền tai nhau tìm đến các cơ sở khám chữa, tư vấn sinh sản; ăn, uống các loại thực phẩm, nước uống “độc, lạ” để “săn” con và thực tế đã có không ít người phải gánh hậu quả. Thậm chí, vì lỡ có bầu nhưng sợ con không hợp tuổi nên có những bà mẹ phá thai khi trót lỡ kế hoạch để rồi dùng mọi biện pháp như soi trứng vi tính để có thể thụ thai vào đúng năm, tháng, ngày, giờ mà theo họ là tốt và hợp. Đáng nói, nhiều gia đình mâu thuẫn chỉ vì không kịp sinh con năm đẹp hay đã sinh con đúng năm, đúng tháng, đúng ngày mong muốn, nhưng đứa trẻ lớn lên lại không phát triển theo đúng kỳ vọng của bố mẹ... Cá nhân tôi cũng đã từng tiếp nhận điều trị tâm lý cho nhiều người liên quan đến câu chuyện đáng báo động này.

PV: Vậy bà có lời khuyên như thế nào với các bậc cha mẹ?

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Phương Hoa: Chúng ta không thể kiểm soát, yêu cầu hạn chế hoặc không sinh con năm này hay năm khác bởi đó là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, thực tế chứng minh, tuổi sinh không hoàn toàn quyết định cuộc đời hay số mệnh của một đứa trẻ. Một đứa trẻ có ngoan hay không phụ thuộc vào phương pháp nuôi dạy, rèn giũa, cách chăm sóc và định hướng từ bố mẹ. Ngoài ra còn có yếu tố môi trường như thầy, cô giáo, bạn bè, đồng nghiệp... Chính vì vậy, các cặp vợ chồng không nên suy nghĩ và tạo áp lực cho bản thân về việc chọn năm sinh cho con một cách quá cực đoan. Việc trẻ khỏe mạnh, có cuộc đời sẽ hạnh phúc mới là điều quan trọng nhất. Chúng ta hãy để trẻ sinh ra theo quy luật của tự nhiên, làm những gì phù hợp nhất với mình và để con cái đến với bố mẹ là duyên!

PV: Xin cảm ơn bà!