Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”. Tuy nhiên, việc chăm sóc, giáo dục và đặc biệt là bảo vệ trẻ em chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vấn đề này không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ gia đình mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Cô và trò Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng (TP. Thái Nguyên). Ảnh: LĂNG KHOA |
Sự vào cuộc của cả xã hội
Tỉnh Thái Nguyên có gần 322.000 trẻ em, trong số đó, 3.900 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; 25.900 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và 21.000 em sống trong gia đình hộ nghèo, cận nghèo.
Những năm qua, cùng với sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, trẻ em ngày càng được chú trọng và quan tâm. Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ đã đi vào cuộc sống, góp phần tạo nên môi trường giáo dục toàn diện, sự chuyển biến về nhận thức xã hội, thúc đẩy các hoạt động chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước.
Trên địa bàn tỉnh, công tác chăm sóc, bảo vệ, thực hiện quyền của trẻ em luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách dành cho trẻ em, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc cho trẻ. Một số kết quả tích cực như: 100% trẻ 5 tuổi được đến trường; 100% trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc; 100% trẻ dưới 6 tuổi được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế; 99,9% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ…
Nhận thức của mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội về việc thực hiện quyền của trẻ em ngày càng được nâng cao. Từ đó, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội. Bà Nguyễn Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) cho biết: Nhà trường thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh theo sát quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ; tích cực bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để giải quyết các tình huống sư phạm.
Cùng với kiến thức, các em học sinh cần được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và trang bị kỹ năng để tự bảo vệ bản thân (ảnh minh họa). |
Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được các nhà trường và học sinh hưởng ứng tích cực tạo môi trường giáo dục lành mạnh, không có bạo lực; chú trọng phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho các em để các em tự tin trong giao tiếp và phát triển toàn diện về sức khỏe trí tuệ và thể chất. Chị Cao Thị Thanh Trang, giáo viên Tổng phụ trách Trường THCS Chùa Hang 1 (TP. Thái Nguyên) cho biết: Chúng tôi tuyên truyền Luật Trẻ em bằng nhiều hình thức như: loa thông tin, bản tin măng non, tuyên truyền trên fanpage, phát tờ rơi, đăng tải nhiều video clip, phim ảnh. Đồng thời, tổ chức nhiều sân chơi cho thiếu nhi như: hội thi vui khỏe an toàn, hội thi tuyên truyền Luật Trẻ em, mô hình, hộp thư điều em muốn nói, tổ tư vấn học đường...
Đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các ngành chức năng đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách hỗ trợ, lập hồ sơ để trẻ em được hưởng bảo trợ xã hội. Quan tâm đầu tư xây dựng nâng cấp công trình phúc lợi sân chơi bãi tập, nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, điểm đọc sách và vui chơi giải trí.
Vẫn còn đó thách thức
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế nhìn nhận, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế và thách thức. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, tử vong do tai nạn đuối nước chưa được khắc phục. Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 31 vụ, xâm hại 32 trẻ em, trong đó 28 nạn nhân là trẻ em gái; xâm hại tình dục là 27 vụ với 28 nạn nhân. Tại các địa phương đã xảy ra 42 vụ tai nạn thương tích trẻ em, trong đó 16 trẻ em tử vong. Tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo lực, bắt lao động sớm vẫn chưa được phòng ngừa và ngăn chặn một cách có hiệu quả. Đặc biệt, thời gian gần đây, vấn nạn trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng ngày càng diễn biến phức tạp, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng tăng. Những con số thống kê của các ngành chức năng, địa phương có lẽ chỉ là “phần nổi của tảng băng”, bởi thực tế có nhiều vụ việc chưa được phát hiện, phản ánh.
Nhịp sống hiện đại, năng động đã kéo mọi cá nhân theo dòng chảy công việc. Thời gian dành cho việc trò chuyện, chia sẻ với con trẻ không phải lúc nào có. Trong khi đó, giáo dục trẻ cần thời gian và sự kiên trì. Sự lơi lỏng, chủ quan, "tham công tiếc việc" của một số cha mẹ đã dẫn đến những hậu quả thật đáng tiếc: trẻ em hư hỏng, bị cuốn vào vòng xoáy các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật...
Cùng với chăm sóc, giáo dục thì việc tạo lập môi trường phát triển an toàn, lành mạnh, bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại, bóc lột cũng vô cùng quan trọng và hết sức cần thiết hiện nay. Ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Để trẻ em có môi trường phát triển toàn diện, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Tiếp tục các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, các ngành, đoàn thể. Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về trẻ em cũng như công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất thì mỗi gia đình và cả cộng đồng xã hội đều phải vào cuộc bằng cả cái nhìn tích cực và trái tim yêu thương; lắng nghe trẻ em nói bằng sự tôn trọng của người lớn. Chỉ như thế, chúng ta mới vượt qua được những thách thức, huy động sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội để trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện bởi "trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin