Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tác nghiệp và sáng tạo các sản phẩm báo chí, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới. Đổi mới và sáng tạo trong hoạt động báo chí là xu thế tất yếu để các cơ quan báo chí đứng vững và khẳng định mình trong thời công nghệ số 4.0.
Phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của tỉnh Thái Nguyên trao đổi kỹ năng sản xuất tác phẩm báo chí hiện đại. |
Nói về trách nhiệm của người làm báo trong kỷ nguyên số, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh: Vấn đề sống còn của chuyển đổi số báo chí chính là “nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng”. Trong bất cứ giai đoạn nào, nhất là trong kỷ nguyên 4.0, các cơ quan báo chí ngoài việc chú trọng phát triển nội dung, rất cần quan tâm đến yếu tố kỹ thuật mới tạo ra tác phẩm báo chí vừa hay, vừa có lượng độc giả lớn.
Đúng như nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ, hiện nay, tốc độ phát triển “chóng mặt” của Internet cùng với các thiết bị điện tử thông minh và mạng xã hội đã mở ra một xu hướng phát triển mới: Báo chí di động, đa phương tiện, đáp ứng nhu cầu độc giả có thể đọc báo, tiếp cận thông tin ở mọi lúc, mọi nơi.
Hiện nay, mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện đang là mục tiêu hướng tới của các cơ quan báo chí nhằm tận dụng tối đa ưu thế về nhân lực đa phương tiện và nền tảng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, để sản xuất ra các ấn phẩm cho nhiều loại hình, phương tiện báo chí khác nhau. Các tờ báo nói chung và Báo Thái Nguyên nói riêng đã nhanh chóng tận dụng khả năng này của mạng xã hội để chia sẻ các tin, bài, clip...
Và để phù hợp với môi trường báo chí trong thời đại số, đội ngũ những người làm báo nhất thiết phải có phương pháp, kỹ năng, tác phong làm báo phù hợp. Trong đó, báo chí phải dùng công nghệ nhiều hơn và điều nhà báo cần học chính là công nghệ để truyền tải nội dung, nhận thức tới công chúng một cách phong phú, đa dạng.
Bởi vậy, không đơn thuần là người viết, người chụp ảnh, người quay phim, hay họa sĩ thiết kế… khi làm việc trong môi trường truyền thông mở, đội ngũ phóng viên, nhà báo sẽ phải đa năng hơn và phải học hỏi nhiều kỹ năng hơn để sản xuất các tác phẩm đa phương tiện. Vừa biết làm báo, chụp ảnh, các nhà báo còn phải biết làm postcard, dẫn hiện trường, đồ họa.
Để giúp các phóng viên, biên tập viên làm chủ công nghệ, thời gian qua, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, Chi hội Nhà báo Báo Thái Nguyên đã tăng cường các lớp tập huấn “cầm tay chỉ việc” cho phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, khẳng định: Mục tiêu của Báo Thái Nguyên là xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có trình độ cao, ngoài năng lực tốt về chuyên môn thì cần có thế mạnh về ứng dụng công nghệ thông tin, là một nhà báo đa phương tiện phục vụ tốt nhất cho công việc.
Còn Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, nhấn mạnh với các học viên tại các lớp tập huấn làm báo hiện đại gần đây do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức: Trong kỷ nguyên số hiện nay, để làm báo hiện đại, đội ngũ những người làm báo cần phải vượt qua chính mình, tích cực trau dồi kỹ năng, cập nhật công nghệ và phải luôn tự làm mới những tác phẩm báo chí. Bởi lẽ, sự cạnh tranh giữa các loại hình truyền thông, đặc biệt là các sản phầm truyền thông mới vừa “làm khó”, nhưng cũng vừa là động lực để nhà báo bắt kịp xu hướng phát triển trong cuộc đua sáng tạo tác phẩm báo chí thời 4.0.
Thật tuyệt vời khi ở môi trường truyền thông mở, đội ngũ phóng viên báo chí được thỏa sức sáng tạo ra những sản phầm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Những sản phẩm báo chí multimedia (đa phương tiện) ra đời, với các thể loại như: infographics, mega story, e-magazine, long-form… đã không còn xa lạ với độc giả, tạo nên những “món ăn tinh thần” mới mẻ, so với những bài báo chỉ gồm chữ viết và ảnh minh họa đơn thuần như trước đây.
Quy trình sản xuất, sáng tạo các tác phẩm báo chí, nhiều đơn vị còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo để mang tới độc giả những tác phẩm thú vị. Phóng viên Liêu Thu Nga, Báo Thái Nguyên, cho biết: Tôi thích thú khi tiếp cận những kỹ năng làm báo hiện đại và thấy mình chủ động hơn khi thực hiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện, thu hút được đông đảo người đọc, xem.
Tôi nhớ lại chuyến tác nghiệp tại tỉnh Điện Biên, gặp gỡ chị Nguyễn Thị Mai Phương, phóng viên Phòng Kinh tế, Báo Điện Biên. Phương phụ trách tuyên truyền huyện Mường Nhé - địa bàn xa nhất của tỉnh Điện Biên. Ít nhất 1 tháng 2 lần, chị “cắm rễ” ở cơ sở, mỗi lần một tuần. Quá trình tác nghiệp, ngoài lái xe giỏi, nắm địa hình tốt, chị còn là người thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất một tác phẩm báo chí hiện đại: Chụp ảnh, quay hình, lấy tư liệu viết, biên tập, đồ họa, đọc lời bình và dựng hoàn chỉnh một tác phẩm báo chí mang đầy hơi thở cuộc sống để gửi về tòa soạn.
Mai Phương hào hứng nói với chúng tôi: Các nhà báo thời đại 4.0 không chạy đua với sự sáng tạo các tác phẩm báo chí đa phương tiện sẽ không thể đáp ứng sự “khó tính” của độc giả và tôi cũng vậy. Để có các kỹ năng làm báo đa phương tiện, ngoài được cơ quan tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, đa phần chúng tôi học hỏi đồng nghiệp và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn.
Thực sự Internet đã mở ra “cánh cửa” cho một lượng lớn thông tin và nền tảng truyền thông mới. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trong việc sáng tạo, thu hút và giữ chân độc giả của các cơ quan báo chí. Bản thân tôi cũng nhận thấy người làm báo cần tạo ra nội dung chất lượng cao và sáng tạo, đồng thời phải định hình được danh tiếng và độ tin cậy của chính mình trong một môi trường trực tuyến phức tạp. Đây là áp lực lớn, nhưng cũng là cơ hội để tạo ra các nhà báo số trong kỷ nguyên số…
Một số lĩnh vực bổ trợ hoạt động xuất bản báo chí điện tử được tập trung hiện nay là: Sản xuất podcast và âm thanh kỹ thuật số; tăng cường kết nối (maketing); sản xuất thành phần video kỹ thuật số; đồ họa hóa dữ liệu; phát triển ứng dụng cho các nền tảng âm thanh; ứng dụng thực tế ảo. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin