"Đòn bẩy" giúp người dân thoát nghèo  

Xuân Anh 10:11, 13/06/2024

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (Chỉ thị 40) ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn ưu đãi đã phủ khắp các thôn, xóm, bản trên địa bàn tỉnh. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội...

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ thực hiện giải ngân tại Điểm giao dịch xã Nam Hòa. Ảnh: Trần Nguyên
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ thực hiện giải ngân tại Điểm giao dịch xã Nam Hòa. Ảnh: Trần Nguyên

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cấp tỉnh, huyện luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy thông qua việc chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Từ đó, cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành đã tích cực vào cuộc, phối hợp triển khai thực hiện các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn vốn nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hiện, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tổ chức giao dịch tại 170 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội quản lý 2.628 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động ở các thôn, xóm.

Tại các điểm giao dịch, NHCSXH công khai chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Chính phủ, quy trình và thủ tục của NHCSXH, công khai dư nợ, thời hạn trả nợ... và tổ chức giao dịch theo lịch cố định hằng tháng.

Hoạt động của các điểm giao dịch đã tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại giao dịch của người vay, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai.

Với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, NHCSXH đã tạo điều kiện cho chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân được biết để cùng thực hiện, đồng thời kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách.

Chị Quách Thị Quỳnh Châm, ở tổ 10, phường Tân Long (TP. Thái Nguyên), vay vốn NHCSXH đã 3 năm nay để sản xuất đồ ăn kiêng, dư nợ hiện tại là 34 triệu đồng. Chị cho biết: Cách đây 3 năm, tôi có ý định làm bánh ăn kiêng bán online nhưng thiếu vốn. Thông qua Chi hội Nông dân của tổ dân phố, tôi được tiếp cận với nguồn vốn chính sách xã hội. Từ nguồn vốn vay, 3 năm nay, gia đình đã đầu tư thiết bị máy móc để làm đồ ăn kiêng. Nguồn vốn đến kịp thời đã giúp gia đình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chị Châm là 1 trong 307.387 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn từ NHCSXH trong 10 năm qua. Giai đoạn 2014-2024, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 10.651.303 triệu đồng, Trong đó, có hơn 112.800 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn, trên 39.280 lượt gia đình ở vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, hơn 10.480 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, gần 29.180 lao động có việc làm ổn định, 895 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. 192.434 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 2.070 căn nhà cho hộ nghèo, 371 căn nhà ở xã hội được xây dựng.

Đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.742.635 triệu đồng với 84.189 hộ còn dư nợ, dư nợ bình quân đạt 56,33 triệu đồng/hộ.

Thực hiện Chỉ thị số 40, hằng năm, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND cấp huyện về việc trích một phần ngân sách địa phương và động viên các doanh nghiệp trên địa bàn chuyển nguồn vốn sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tổng nguồn vốn nhận ủy thác đến ngày 30/4/2024 là 245.957 triệu đồng, tăng 217.369 triệu đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH là 237.789 triệu đồng (ngân sách tỉnh 123.939 triệu đồng, ngân sách các huyện, thành là 113.850 triệu đồng).

Vốn do chi nhánh NHCSXH tỉnh huy động là 515.312 triệu đồng. Vốn của các công ty, doanh nghiệp ủy thác sang NHCSXH đạt 6.633 triệu đồng. Vốn từ cuộc vận động vì người nghèo do MTTQ phát động, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn khác là 1.535 triệu đồng.

Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền cấp xã bằng những hoạt động cụ thể, như: Tạo điều kiện tốt nhất về địa điểm giao dịch tại xã; tăng cường công tác an ninh trong những ngày giao dịch; điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách; bình xét cho vay… nguồn vốn trên đã được chuyển tải nhanh chóng, kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định và phủ khắp các thôn, xóm, bản trên địa bàn tỉnh.

Kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn.