Những năm gần đây, nhu cầu khám chữa bệnh ngày một tăng khiến nhiều bệnh viện công lập tuyến tỉnh, tuyến Trung ương thường xuyên quá tải. Việc giảm tải cho bệnh viện công lập tuyến trên trở thành yêu cầu cấp bách. Một trong những giải pháp hiệu quả được ngành Y tế Thái Nguyên tích cực triển khai là khuyến khích y tế ngoài công lập phát triển. Qua đó, các cơ sở y tế ngoài công lập đã phát triển nhanh, đa dạng, chất lượng và phủ đều khắp các địa bàn.
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đón 22.000 lượt người đến khám chữa bệnh mỗi tháng. |
Điểm sáng y tế tư nhân
Đi vào hoạt động từ tháng 4-2024, Bệnh viện đa khoa Thủ Đô (Đại Từ) là bệnh viện tư nhân tuyến huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Với quy mô cấp phép ban đầu là 31 giường bệnh nội trú, bệnh viện đã nhanh chóng mở rộng lên 60 giường bệnh; đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng khang trang, rộng rãi gồm nhiều chuyên khoa sâu như: Nội nhi, ngoại sản, các chuyên khoa phục hồi chức năng cùng với nguồn nhân lực trên 110 người, trong đó có 47 bác sĩ. Bệnh viện cũng được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như: Máy chụp cắt lớp, nội soi tiêu hoá có khả năng tầm soát ung thư, máy chụp x-quang kỹ thuật số, hệ thống xét nghiệm hiện đại…
Ông Lưu Văn Hồng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thủ Đô chia sẻ: Tiền thân là Phòng khám đông y Thiên Hồng hoạt động từ năm 2018, từ khi đi vào hoạt động, Bệnh viện đa khoa Thủ Đô đã khám và điều trị cho khoảng 30.000 lượt bệnh nhân.
Trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có 30 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, gồm 1 bệnh viện đa khoa tư nhân, 2 phòng khám đa khoa, 27 phòng khám chuyên khoa. Trao đổi với chúng tôi, bà Tống Thị Bích Hoà, Trưởng phòng Y tế huyện cho biết: Khối y tế ngoài công lập đóng góp rất đáng kể đối với công tác khám chữa bệnh trên địa bàn với trên 50.000 lượt khám chữa bệnh ngoại trú mỗi năm.
Đi vào hoạt động hơn 2 tháng, Bệnh viện đa khoa Thủ Đô (Đại Từ) đã thu hút trên 30.000 lượt người đến khám chữa bệnh. |
Theo thống kê của Sở Y tế, Thái Nguyên hiện có 7 bệnh viện tư nhân, gồm 6 bệnh viện đa khoa tư nhân và 1 bệnh viện chuyên khoa mắt, với tổng số 676 giường bệnh nội trú, chiếm trên 12% tổng số giường bệnh nội trú toàn tỉnh. Ngoài ra, còn có 18 phòng khám đa khoa tư nhân và 589 phòng khám chuyên khoa, cơ sở dịch vụ y tế tư nhân. Bình quân mỗi năm, các cơ sơ y tế tư nhân khám bệnh cho trên 1 triệu lượt người, chiếm khoảng 20% tổng số lượt khám bệnh; điều trị nội trú cho gần 44 nghìn lượt bệnh nhân, chiếm khoảng 17% số lượt điều trị nội trú toàn tỉnh.
Nhắc đến y tế ngoài công lập không thể không kể đến Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên. Đi vào hoạt động từ năm 2014, đến nay, Bệnh viện đã được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như: Máy chụp cắt lớp vi tính 64 dãy, máy chụp cộng hưởng từ, máy nội soi màu 4 chiều, hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, miễn dịch tự động, hệ thống máy phẫu thuật nội soi, nội soi chẩn đoán, hệ thống máy thở....
Thầy thuốc ưu tú Phan Bá Đào, Phó Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chia sẻ: Với trên 300 bác sĩ, nhân viên y tế, mỗi tháng, Bệnh viện khám bệnh cho trên 22.000 lượt người, trong đó có hơn 2.100 lượt điều trị nội trú. Hiện nay, Bệnh viện có thể thực hiện nhiều kỹ thuật cao như: Thay khớp háng, phẫu thuật u xơ tử cung, phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước, phẫu thuật tán nhuyễn thể thuỷ tinh bằng siêu âm...
Tăng cường công tác quản lý
Theo đánh giá của Sở Y tế, nhìn chung các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh hoạt động khám chữa bệnh đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực tương ứng với từng loại hình cụ thể theo quy định. Trong đó, một số cơ sở phát triển được nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật tuyến trên. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước đối với y tế ngoài công lập.
Qua công tác thanh, kiểm tra hằng năm, Sở Y tế phát hiện một số vi phạm tại các cơ sở y tế hành nghề khám chữa bệnh ngoài công lập, chủ yếu là: Chưa ghi chép đầy đủ sổ sách, hồ sơ bệnh án, còn hiện tượng hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn, sử dụng người hành nghề chưa đúng quy định... Bên cạnh đó, nhân lực tại các địa phương còn khá mỏng cũng là rào cản lớn đối với công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khám chữa bệnh ngoài công lập.
Bà Tôn Thị Minh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược, Sở Y tế nhận định: Thực tế phát triển của khối y tế ngoài công lập đã tác động tích cực trên nhiều mặt, nhiều chiều tới công tác khám chữa bệnh trên địa bàn. Nhờ việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, thái độ phục vụ tận tình, thủ tục khám chữa bệnh đơn giản, nhanh gọn, khối các đơn vị y tế tư nhân đã giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế cơ bản và đồng thời giảm tải, giảm áp lực cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập.
Để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập, hằng năm, Sở Y tế tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân; quán triệt, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về hành nghề y tư nhân, đặc biệt là phổ biến Luật Khám bệnh chữa bệnh... Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả công tác quản lý hành nghề khám chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế sẽ tiếp tục tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế ngoài công lập. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị tăng cường quản lý hành nghề y dược ngoài công lập... Từ đó, tạo ra lợi thế thu hút dựa vào niềm tin của người bệnh với y tế ngoài công lập, giữ chân người bệnh yên tâm điều trị ngay tại tuyến huyện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin