Nhà báo thời bao cấp

Phạm Ngọc Chuẩn 10:05, 13/06/2024

Tháng Sáu có một ngày tôn vinh, tri ân đội ngũ những người đứng trong hàng ngũ báo chí cách mạng Việt Nam (21-6). Ngày dễ làm lòng nhẹ vơi những bận rộn thông tin thường nhật, để có cho riêng mình đôi chút thảnh thơi, nhắc nhớ lại một thời làm báo bao cấp...

Biên tập, trình bày báo tại Tòa soạn Báo Bắc Thái, năm 1983. Ảnh: Tư liệu
Biên tập, trình bày báo tại Tòa soạn Báo Bắc Thái, năm 1983. Ảnh: Tư liệu

Từ năm 1986 trở về trước, các "nhà báo, nhà đài” cũng như cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có tên trong danh sách biên chế nhà nước hầu hết đều có đời sống vật chất khó khăn. Nhưng “tươm” hơn so với lao động nông thôn, lao động tự do vì được Nhà nước bao cấp. Vậy nên, tháng nào cũng có thịt, có đường, gặp nhau là kể chuyện được ăn, hoặc thèm ăn. Vậy mới có câu “Đói bàn ăn”, chứ không như thời nay, có nhiều người bàn cách nhịn ăn để giữ eo, đẹp dáng.

Hồi bấy giờ, trong Tòa soạn Báo Bắc Thái (từ năm 1997 được tách thành Báo Thái Nguyên và Báo Bắc Kạn), thỉnh thoảng đại diện cơ quan đến Công ty thực phẩm tỉnh nhận phần về chia cho nhân viên trong tòa soạn. Kể từ Tổng Biên tập cho đến bác tài (lái xe) đều được chia theo định suất tem phiếu. 

Một con lợn xẻ ra chia đủ, đều các bộ phận cho mấy chục suất; vải mặc cùng nhau gắp thăm; xe đạp cấp về chia thành linh kiện: Khung, lốp, săm, nan hoa, bi, xích, líp… từng thứ được ghi vào mảnh giấy, bỏ vào lòng nón, ai nhón được thứ gì thì lấy thứ đó, hả hê, vui vẻ mang về cất đi, hoặc mang bán lại cho người có nhu cầu để tăng thu nhập.

Cực nhất là việc chia mì chính phải định lượng bằng thìa vì không có cân phù hợp. Gặp ai thắc mắc vì được ít hơn so với người khác, người “cầm chịch” đành sẻ bớt phần của gia đình mình để bù vào giữ hòa khí.

Để gia đình có thêm cái ăn, cái mặc, các nhà báo rủ nhau sang Công ty Thương Nghiệp nhận lạc vỏ về cho bọn trẻ bóc lấy tiền công. Vất vả, thiếu thốn nhưng hầu hết nhà báo đều mang trong lòng nhiệt huyết với nghề, ai nấy đều làm việc bằng tinh thần trách nhiệm cao.

Nhà báo Vũ Liêu kể: Bấy giờ chưa nhật báo, nhưng lực lượng viết ít, đạp xe đi thực tế, về viết cả đêm, lại viết bằng bút mực nên viết chậm. Nhiều lần thức trắng đêm để viết, sớm hôm sau lăn ra ngủ, chiều xem lại thấy chưa ưng, tự gạch xóa biên tập cho bài viết của minh rồi lấy giấy viết lại. Kinh nghiệm làm báo là “Cẩn thận mấy cũng không thừa”.

Còn nhà báo Nguyễn Thị Minh Châm chia sẻ: Giờ kể lại chắc nhiều cháu không tin. Hồi bấy giờ, đường đất chật vật, nắng thì bụi, mưa thì bùn trơn, con lại nhỏ. Nhiều lần tôi phải địu con đi thực tế. Có lần cháu bị đi ngoài, ra ướt lưng nhưng tôi vẫn hoàn thành cuộc phỏng vấn với một đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Phương tiện đi cơ sở là xe đạp. “Khắc đi, khắc đến”, chẳng hẹn trước vì không có điện thoại. Vậy nhưng, cơ sở thấy nhà báo đến thì đón tiếp niềm nở như thân quen từ lâu. Bao giờ cơ sở cũng lo chỗ ăn, chỗ ngủ và bố trí làm việc vào ngày hôm sau. Nhà báo Lưu Sĩ Mùi kể: Thỉnh thoảng được đi nhờ xe lãnh đạo tỉnh về huyện, rồi tự đi thực tế về xã, xóm tìm hiểu phong trào địa phương. Xong việc, lại nhúc nhắc đi bộ ra đường lớn, vẫy xe đi nhờ về cơ quan.

Giao thông khó khăn, phương tiện đi lại thô sơ, nên thời gian vật chất dành cho đi cơ sở nhiều hơn thời gian ngồi vào bàn viết. Mà viết cũng cực, điện đóm phập phù, nhiều khi phải dùng đèn dầu để viết thâu đêm, kịp trả bài cho Tòa soạn. Bà Hoàng Thị Dung, nhân viên đánh máy của Tòa soạn, kể: Bấy giờ, giỏi nghề không chỉ đánh máy nhanh, đúng chính tả, mà quan trọng là luận được chữ viết ẩu, viết tắt của cánh phóng viên. Chồng tôi cũng là phóng viên chuyên ảnh. Mỗi tháng ông được cơ quan cấp cho 2 cuộn phim, mỗi lần đi chụp về lại “chui” buồng tối làm ảnh, hì hục đến gần sáng mới đi ngủ.

Trước một thông tin xã hội quan tâm, nhà báo thời bao cấp có thể đủng đỉnh đi và đủng đỉnh viết. Vì trong tuần, Tòa soạn chỉ có 1, 2 số báo, viết ngay cũng chẳng để làm gì, lại không phải cạnh tranh với tờ báo khác. Sang thời công nghệ số, thời gian quyết định sự sống còn của tờ báo. Vì nếu cứ đi sau, đi chậm, lượng truy cập thấp dẫn đến mất uy tín, mất nguồn thu.

Thực tế cuộc sống đòi hỏi nhà báo phải biết năng động hơn, song phải có kiến thức, năng lực làm báo kết hợp với khả năng sử dụng công nghệ. Trước một thông tin “hot”, nhà báo chuyển tải đến độc giả bằng nhiều ứng dụng khác nhau. Ngoài báo in truyền thống còn có báo điện tử và kết nối các trang mạng xã hội.

Các thế hệ báo chí đã như “lớp lớp sóng bồi” chưa bao giờ ngừng nghỉ; lặng lẽ hiến dâng công sức, trí tuệ của mình bằng cách phản ánh trung thực, chính xác nhất về các sự kiện, hiện tượng xã hội. Qua đó góp phần định hướng dư luận theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.