Tháng 6 về, phượng vĩ nở đỏ rực cả một góc trời, tiếng ve kêu rền rĩ báo hiệu mùa Hè đã về. Lũ học trò ở Thái Nguyên vui lắm khi được thả lỏng, không còn lo chuyện học hành trong những ngày hè đầy nắng và gió. Dẫu vậy, đây lại là thời điểm mà những học sinh cuối cấp và mẹ cha các em lo lắng khi "giờ G" đã điểm.
Trường THPT Lương Phú (Phú Bình) quan tâm tư vấn ngành nghề cho học sinh trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT. |
Con trẻ áp lực
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh đã đến rất gần. Theo kế hoạch, kỳ thi diễn ra vào ngày 6 và 7-6. Với mong muốn đạt kết quả tốt nhất, nhiều học sinh ở Thái Nguyên đang “tăng tốc” với các buổi ôn thi kín lịch. Không ít học sinh với mục tiêu đỗ vào Trường THPT Chuyên Thái Nguyên đang tập trung ôn luyện các môn thi đại trà (Văn, Toán, Anh) và cả môn chuyên.
Em Trương Thảo Nhi, học sinh lớp 9, Trường THCS Quang Trung (TP. Thái Nguyên), cho hay: Em mong muốn thi đỗ vào lớp chuyên Sinh. Vì vậy, hơn 1 tháng nay, mỗi tuần, ngoài các buổi học thêm, luyện đề thi các môn đại trà, em còn phải học khoảng 4-5 buổi ôn luyện môn chuyên. Sinh học là môn rất khó nên ngoài thời gian học thêm ở các trung tâm, buổi tối em phải tự học ở nhà. Có những hôm, em thức đến 2-3 giờ sáng để học lý thuyết và làm bài tập. Kỳ thi càng đến gần, em càng thấy áp lực nhiều hơn…
Theo chia sẻ của Thảo Nhi, ngoài đăng ký thi vào Trường THPT Chuyên, em còn đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Lương Ngọc Quyến. Em đang cố gắng hết sức mình đỗ được vào Trường THPT Chuyên để không phụ lòng mong mỏi của ông bà, bố mẹ. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng khá “nặng ký” đối với em vì tỷ lệ chọi của lớp chuyên Sinh cao.
Không riêng gì Thảo Nhi, nhiều học sinh khác của Thái Nguyên cũng đang cảm thấy áp lực trước Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Nhiều em được đánh giá có lực học tốt vẫn cảm thấy lo lắng khi không đỗ nguyện vọng 1, do sợ bị các bạn cười chê. Vì thế, các em đã dồn sức cho việc học cả sáng, chiều, tối. Em Nguyễn Minh Thành, học sinh lớp 9, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), cho biết: Lịch học thêm dày đặc, có những hôm, em chỉ ngủ chừng 3-4 tiếng. Dù khá mệt nhưng bài vở và áp lực thi cử lớn nên em vẫn đang phải tập trung học tập mỗi ngày.
Với những học sinh có lực học vừa phải, bố mẹ khuyên con nên đăng ký thi vào các trường dân lập cho đỡ áp lực nhưng nhiều trẻ không nghe. Chị Lê Thanh Thảo, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), nói: Vì muốn được học cùng các bạn thân nên con tôi đang cố gắng ôn luyện để thi đỗ vào Trường THPT Lương Ngọc Quyến. Thấy con học hành vất vả như vậy, tôi xót lắm nhưng không dám nói nhiều, sợ làm ảnh hưởng đến tâm lý của con.
Dù không căng thẳng như Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhưng học sinh lớp 12 cũng không tránh khỏi những áp lực trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28 và 29-6. Cụ thể, ngày 26-6 làm thủ tục dự thi; ngày 27 và 28-6 tổ chức coi thi; ngày 29-6 dự phòng.
Do đó, thời điểm này là “cao điểm” của các sĩ tử lớp 12 trong việc ôn luyện. Em Nguyễn Đức Minh, học sinh Trường THPT Chuyên, chia sẻ: Dù đã được xét tuyển thẳng vào một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội nhưng em vẫn thấy áp lực nên phải tập trung ôn thật tốt các môn thi để đỗ tốt nghiệp với số điểm cao.
Đối với nhiều học sinh lớp 12 khác, áp lực còn lớn hơn khi đặt mục tiêu thi đỗ vào các trường danh tiếng như: Đại học Quốc gia, Y - Dược, Bách Khoa, Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Luật Hà Nội… Vì vậy, việc ôn luyện càng phải tập trung cao độ, thời gian ngủ nghỉ, ăn uống vì thế cũng rất hạn chế, có khi chỉ từ 5-6 giờ/ngày.
Giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (TP. Thái Nguyên) luôn đồng hành với học sinh lớp 9 trong mỗi kỳ thi. |
Phụ huynh lo lắng
Cũng chung áp lực của con trẻ là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Năm nay, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Thái Nguyên khá căng thẳng khi chỉ có trên 13,2 nghìn trong tổng số gần 21 nghìn học sinh lớp 9 có cơ hội đỗ vào các trường THPT công lập. Như vậy, số học sinh còn lại sẽ phải theo học tại các trường THPT dân lập và học nghề… Thực tế này khiến nhiều phụ huynh bận tâm. Chị Nguyễn Hoa Ngần, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), có con tham gia Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, bộc bạch: Sức học của con tôi tuy khá ổn nhưng tôi vẫn rất lo lắng vì số học sinh quá đông, chỉ tiêu vào các trường THPT công lập chỉ chiếm trên 70%. Nhất là khi mục tiêu của con là thi vào ngôi trường THPT ở top đầu. Vì vậy, tôi chỉ biết động viên con cố gắng.
Chị Đào Thị Mận, xã Văn Yên (Đại Từ), băn khoăn: Mong ước của tôi là con trai đỗ vào Trường THPT Lưu Nhân Chú để con được học ngay gần nhà. Nếu không đỗ vào trường công lập, tôi chấp nhận cho con học tại trường dân lập dù phải đi xa nhà.
Với các phụ huynh có con tham gia thi tốt nghiệp THPT, nỗi lo của họ là con không chọn đúng ngành nghề phù hợp với xu hướng thời đại, cũng như sở trường. Chị Hoàng Thanh Nga, xã Cổ Lũng (Phú Lương), tâm sự: Lo nhất là con không chọn đúng ngành, nghề phù hợp, sau này tốt nghiệp đại học khó xin được việc làm. Bởi vậy, tôi đã cùng con tìm hiểu thật kỹ các ngành, nghề rồi mới quyết định lựa chọn.
Trong những ngày nước rút, các bậc phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con trẻ trước áp lực của kỳ thi. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh vẫn luôn mong con mình thi đỗ vào các trường học danh tiếng, đặt kỳ vọng quá lớn vào con trẻ nên đã tạo áp lực cho việc học tập của các em. Bản thân các em cũng lo kiến thức không đủ để vượt qua kỳ thi hoặc không đỗ vào các trường đã chọn, nên vùi đầu vào học. Đây là tâm trạng chung của các bậc phụ huynh và học sinh.
Chính vì vậy, để tránh căng thẳng, các em rất cần sự đồng hành, chia sẻ, động viên của phụ huynh và gia đình. Học sinh cũng cần có kế hoạch học tập khoa học, ôn thi “dài hơi”, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” chứ không nên để mình rơi vào tình trạng “chạy nước rút”, tự tạo áp lực cho bản thân... làm ảnh hưởng đến hiệu quả trong học tập và thi cử.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin