Trong trẻo nụ cười trẻ em vùng cao

Tùng Lâm 16:11, 03/06/2024

Chưa có thống kê cụ thể, tại Thái Nguyên có bao nhiêu trẻ em người dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao. Dẫu đã được quan tâm nhiều hơn nhưng phải thừa nhận rằng, những đứa trẻ ở địa bàn khó khăn của tỉnh vẫn phải sống trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn. Không bận tâm với áo cơm, trẻ vùng cao vẫn luôn thường trực nụ cười trong trẻo và hồn nhiên.

Niềm vui của trẻ em người dân tộc thiểu số ở Đại Từ khi được đến lớp, đến trường đi học.
Niềm vui của trẻ em người dân tộc thiểu số ở Đại Từ khi được đến lớp, đến trường đi học.

Đã là tháng 6, trẻ em ở bản người Mông Đồng Ươm, xã Dân Tiến (Võ Nhai) được nghỉ hè, hằng ngày không phải đến trường học “cái chữ”. Nếu như thời gian nghỉ của trẻ em thành phố là phần thưởng đồ chơi, những chuyến đi chơi, đến bể bơi… thì trò nhỏ ở bản vùng cao này lại bận rộn với việc bếp núc, trông em. Nhìn thấy 3, 4 đứa trẻ mặt mày lấm lem ngồi chơi trước ngôi nhà gỗ đã cũ, chúng tôi thấy tim mình nhói đau. Với nhiều trẻ ở Đồng Ươm, được bố mẹ mua cho món đồ chơi ưa thích dịp Tết Thiếu nhi là điều vô cùng xa xỉ. Tuy nhiên, các em không hề bận tâm mà luôn nở nụ cười trong trẻo, hồn nhiên khi vui đùa cùng nhau. 

Chị Hoàng Thị Mường, dân tộc Mông, một người dân của bản cho hay: Nghỉ hè, hầu hết các cháu ở nhà một mình vì bố mẹ đều bận. Những đứa lớn hơn một chút (chừng 10 tuổi trở lên) thì đi làm cùng bố mẹ hoặc cắt cỏ, chăn bò; những đứa nhỏ hơn thì trông em hoặc tự chơi. 

Không riêng Đồng Ươm mà ở nhiều xóm, bản miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, trẻ nhỏ vẫn đang phải sống trong cảnh thiếu thốn. Không có điểm vui chơi, dịp hè, nhiều trẻ ở vùng cao tự chơi trốn tìm cùng nhau; tìm niềm vui từ việc mò cua, bắt ốc ngoài đồng; ra suối tắm… Đây cũng là nguyên nhân khiến một vài trẻ nhỏ ở huyện Võ Nhai bị vắt, đỉa chui vào mũi, miệng dẫn đến chảy máu cam, khó thở, phải nhập viện. Nguy hiểm hơn, có trẻ bị nước cuốn và tử vong khi tắm ở sông, suối. Thương nhất là những đứa trẻ còn quá nhỏ đã gặp tai nạn thương tâm khi theo cha mẹ đi làm. Vụ việc cháu nhỏ mới 3 tuổi, người dân tộc Mông ở xóm Làng Giai, xã La Hiên (Võ Nhai) tử vong do xe chở gỗ va phải khi đi làm ở xưởng gỗ cùng mẹ là một ví dụ. Câu chuyện đã xảy ra gần 3 năm nay nhưng vẫn khiến những người ở lại vô cùng đau lòng. 

Nhiều trẻ em vùng cao ở Thái Nguyên đang bị “đánh cắp” tuổi thơ bởi vòng quay mưu sinh của mẹ cha. Cũng bởi thế, mỗi khi năm học mới, thầy cô giáo ở vùng cao rất vất vả đến từng hộ vận động học sinh trở lại trường. Cô giáo Nguyễn Thị Hoan, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sa Lung, xã Tân Long (Đồng Hỷ) chia sẻ: Chúng tôi luôn hiểu rằng, chỉ có tri thức mới mở ra tương lai tốt đẹp cho trẻ em vùng khó. Đây là động lực để các thầy cô giáo không quản ngoại đường xa, vận động cha mẹ học sinh cho con đến trường. 

Trẻ em vùng cao Thái Nguyên đang cần lắm sự sẻ chia của cả cộng đồng. Bên cạnh những món quà tặng của cá nhân, tổ chức từ thiện; chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, học sinh nghèo thì việc quan tâm đầu tư những điểm vui chơi cho trẻ nhỏ; nâng cao đời sống cho người dân vùng khó… vẫn rất cần Đảng, Nhà nước và tỉnh tiếp tục quan tâm. 

Bác Hồ từng nói: "Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Mong rằng, trong những năm tới, trẻ em vùng cao Thái Nguyên được quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện về học tập nhiều hơn, để cuộc sống sau này tốt đẹp.