Kỷ niệm một lần phỏng vấn bác Nguyễn Phú Trọng

Vi Thu Lan 19:42, 25/07/2024

Từ lúc nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi có cảm giác thật buồn, như mất đi một người thân. Bất giác, tôi nhớ về một kỷ niệm khi còn làm báo đã vinh dự có lần được phỏng vấn bác tại trụ sở Thành ủy Hà Nội.

Các phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Thành ủy Hà Nội, tháng 10-2024.
Các phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Thành ủy Hà Nội, tháng 10-2004.

Đó là năm 2004, năm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2004), Ban Biên tập Báo Thái Nguyên quyết định mở chuyên mục “Tiến tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10)” trên Báo Thái Nguyên. Để “nuôi” chuyên mục với những bài viết sống động, thực tế về Thủ đô Hà Nội, tôi và các nhà báo Nguyễn Phương Cường, Trần Nguyên được Tổng Biên tập giao nhiệm vụ đi Hà Nội để phỏng vấn đồng chí Nguyễn Phú Trọng - lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Nội dung nói về sự phát triển, đổi thay của Thủ đô Hà Nội trong 50 năm qua (dịp này, TP. Hà Nội vinh dự được đón nhận Huân chương Sao Vàng lần thứ 2).

Nhận nhiệm vụ, trong lòng tôi lo lắng vì lúc đó còn trẻ, đi tác nghiệp chủ yếu ở trong tỉnh, thậm chí nếu được Ban Biên tập giao phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy hay Chủ tịch UBND tỉnh còn ngại. Thế mà lần này, Tổng Biên tập lại giao phỏng vấn một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tôi coi đây là một vinh dự lớn nhưng trách nhiệm cũng không hề nhỏ. Trong đầu luôn suy nghĩ không biết mình phải đặt câu hỏi thế nào, nhỡ bác mà “vặn” lại cho mấy câu thì trả lời làm sao? Với lại, chắc thời gian bác dành cho chúng tôi sẽ không nhiều, nếu không chuẩn bị kỹ nội dung cần hỏi thì không có đủ tư liệu để viết bài.

Trong khi thời điểm đó, mạng Internet không thuận tiện như bây giờ, muốn tra cứu tài liệu phải tới thư viện tìm sách, báo chí. Để không bỡ ngỡ khi phỏng vấn, tôi sang Phòng Lưu trữ của Tỉnh ủy tìm thêm tư liệu viết về quá trình phát triển của TP. Hà Nội để nắm thêm kiến thức. Bên cạnh đó, anh em chúng tôi họp lại và phân công mỗi người một công việc, nhà báo Phương Cường chuyên chụp ảnh, quay camera; còn tôi và nhà báo Trần Nguyên viết bài. Nhưng khi vào làm việc với bác thì mỗi người chuẩn bị trước 3 câu phỏng vấn, còn đâu “tùy cơ ứng biến”.

Đầu tháng 10-2004, chúng tôi đặt lịch làm việc với bác. Đến Hà Nội, thư ký của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đưa chúng tôi vào một phòng làm việc nhỏ, giản dị. Thư ký nói với chúng tôi trước: “Các anh, chị phỏng vấn nhanh nhé, chỉ được 15 phút thôi, vì bác còn bận nhiều công việc khác”. Chúng tôi lo lắm, 15 phút thì làm sao đủ tư liệu viết bài được. Lúc sau bác tới, đi rất nhanh vào phòng với nụ cười hiền hậu, thân thiện.

Chúng tôi chưa kịp chào, bác đã đến bắt tay từng người và cất lời chào: “Các nhà báo ở Thủ đô gió ngàn về à!”. Khi ngồi vào bàn làm việc, bác ân cần hỏi chúng tôi: Các bạn đi đường xa có mệt không; Thủ đô gió ngàn dạo này có gì mới không? Thế các bạn trẻ định phỏng vấn gì tôi đấy…

Nhớ lời thư ký của bác nhắc về thời gian có hạn, nhà báo Phương Cường vội vàng vào câu hỏi phỏng vấn ngay; sau đó đến tôi và nhà báo Trần Nguyên. Trong quá trình trả lời phỏng vấn, bác nói rất say sưa và dường như quên thời gian và sự bận rộn. Chính sự cởi mở của bác làm chúng tôi tự tin và cảm thấy không còn e ngại nữa. Chúng tôi thoải mái hỏi những gì mình chưa hiểu. Khi thấy chúng tôi không phỏng vấn nữa, bác hỏi: “Có gì chưa rõ các bạn cứ hỏi thêm nhé?”.

Chúng tôi biết bác rất bận và thấy tư liệu cũng đã “hòm hòm” nên xin được kết thúc cuộc phỏng vấn. Bác cẩn thận bảo thư ký biếu chúng tôi mỗi người một quyển Đề cương hướng dẫn tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô để tham khảo thêm.

Xong việc, bác tiễn chúng tôi ra đến cổng, vừa đi vừa nói chuyện rất thân mật và vẫy tay: “Chào các bạn trẻ Thủ đô gió ngàn nhé”.

Sau khi phỏng vấn bác Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi ở lại Hà Nội 2 ngày để đi thực tế. Trở về, chúng tôi hoàn thành được một số bài báo và nhóm ảnh về Thủ đô Hà Nội theo đúng ý tưởng của Tổng Biên tập Phan Hữu Minh...

Bác đã về thế giới người hiền. Chúng cháu, những người từng công tác ở Báo Thái Nguyên, luôn lưu giữ kỷ niệm đẹp về bác. Chúng cháu xin được thắp nén hương thơm để tưởng nhớ bác - một nhà lãnh đạo xuất sắc, suốt cuộc đời luôn vì nước, vì dân.