Người Tày ở bản “lõm” với những cái nhất

Hải Đăng 08:54, 26/07/2024

Nghe Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Nghinh Tác, xã Sảng Mộc (Võ Nhai), anh Ma Văn Đô giới thiệu về xóm, tôi thấy có nhiều cái “nhất”: Đất đai ít nhất xã, số hộ ít nhất xã, số người sử dụng được điện thoại thông minh ít nhất xã (địa hình nhiều đồi núi nên mạng Internet không phủ tới - P.V)… nhưng có một cái nhất khiến chúng tôi tâm đắc, đó là số hộ nghèo thấp nhất trong các xóm, bản ở Sảng Mộc (hiện còn 5 hộ nghèo).

Anh Ma Văn Đô (Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Nghinh Tác, xã Sảng Mộc, Võ Nhai) trao đổi công việc với cán bộ văn hóa xã.
Anh Ma Văn Đô (Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Nghinh Tác, xã Sảng Mộc, Võ Nhai) trao đổi công việc với cán bộ văn hóa xã.

Xóm Nghinh Tác có 61 hộ với hơn 300 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Tày chiếm 96%. Điều kiện phát triển kinh tế nơi đây rất khó khăn, bởi bao quanh xóm chỉ toàn núi đá với phần lớn diện tích là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Cả xóm chưa đến chục hộ có đất rừng sản xuất với diện tích khoảng 50ha.

Anh Ma Văn Đô bảo: Trung bình mỗi hộ dân trong xóm chỉ có vài sào đất canh tác, không đảm bảo cung cấp lương thực tại chỗ. Chăn nuôi lợn, gà trong xóm cũng không phát triển, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, thị trường đầu ra bấp bênh, người dân không có điều kiện đầu tư lớn cho chăn nuôi. Một số gia đình chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, theo kiểu tự cung tự cấp…

Như đoán biết được sự ngạc nhiên, tò mò của chúng tôi về “lời giải” cho “bài toán” vượt khó nghèo ở nơi đây, anh Đô giải thích luôn: Sở dĩ trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng hiện nay Nghinh Tác chỉ còn 5 hộ nghèo, là bởi chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động những người trong độ tuổi lao động, có sức khỏe đi làm công nhân ở các công ty, nhà máy hoặc đi làm thuê, chăm sóc rừng ở những thời điểm nông nhàn.

Diện tích đất canh tác ít, bà con càng phải tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như thay thế các giống ngô, lúa cũ bằng giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Vận động bà con đối ứng cứng hóa hệ thống kênh mương nội đồng để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu hợp lý kể cả trong mùa khô. Nay, xóm đã cứng hóa đạt gần 90% số kênh mương nội đồng - tiếp tục trở thành xóm làm tốt nhất việc này. Nhờ đó, năng suất lúa ở Nghinh Tác đạt tới 60 tạ/ha; ngô đạt hơn 40 tạ/ha…

Ở những chân ruộng cao, xóm khuyến khích bà con trồng thêm vụ rau màu nhằm tăng thêm thu nhập, với phương châm “không cho đất nghỉ, không để đất trống”. Tiêu biểu ở xóm có gia đình ông Lường Văn Sửu, đã trồng chuyên canh 5 sào rau, củ, quả, mùa nào thức ấy nên có cuộc sống khá giả.

Trong chăn nuôi, nhận thấy có thể tận dụng được nguồn thức ăn từ tự nhiên, xóm vận động những gia đình có điều kiện chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, bước đầu cũng đạt được hiệu quả nhất định, như gia đình ông Lường Văn Hảo, nuôi 6 con bò 3B…

Đất đai có ít, điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ biết cách làm tăng giá trị sản phẩm trên cùng một diện tích đất canh tác, lợi dụng triệt để những lợi thế “ít ỏi” của xóm mà đời sống người dân tộc thiểu số ở Nghinh Tác đã từng bước được cải thiện, nâng cao.

Người dân sẵn sàng đồng thuận hiến đất, tài sản trên đất và đóng góp tiền của đối ứng cùng Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi, như bê tông hóa đường dân sinh, xây dựng nhà văn hóa xóm, kênh mương nội đồng, nhà tiêu hợp vệ sinh…  

Khi nỗi lo cơn áo đã dần vơi nhẹ, bà con ở Nghinh Tác đã biết chú ý tới việc nâng cao đời sống tinh thần. Xóm thành lập được Đội Bóng chuyền hơi, Đội hát Then, đàn Tính… thu hút đông đảo người dân tham gia và đoạt nhiều giải cao trong những cuộc thi do xã tổ chức và nhiều thành viên được chọn vào đội tuyển của xã tham gia cấp huyện.

Anh Ma Văn Đô chia sẻ: Cùng một lúc kiêm nhiệm hai nhiệm vụ, tôi cảm thấy khá nặng nề nhưng cũng là vinh dự và trách nhiệm. Với đồng bào, mình không chỉ nói mà phải làm được bà con mới tin và nghe theo. Riêng gia đình tôi đã hiến 300m2 đất để làm đường và luôn đi đầu trong các đợt đóng góp xây dựng các loại quỹ của xóm cũng như địa phương phát động. Đồng thời, với vai trò là Bí thư Chi bộ, tôi cùng với các đồng chí cấp ủy chỉ đạo 22 đảng viên trong Chi bộ phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao vai trò hạt nhân ở cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên. Nhờ đó, Chi bộ năm nào cũng kết nạp được 1 đảng viên mới. Hiện, chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ cho một quần chúng ưu tứ đã học lớp nhận thức về Đảng.

Nhờ sự cố gắng, nỗ lực vươn lên trong khó khăn của cán bộ, đảng viên và người dân trong xóm, Nghinh Tác nhiều năm liền đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa và Làng văn hóa cấp huyện.