Bảo mật thông tin người tố cáo

T.H 18:23, 18/08/2024

Luật Tố cáo năm 2018 đã dành chương VI, gồm 12 điều quy định cụ thể việc bảo vệ người tố cáo, trong đó đề cao việc bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo, nhằm khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật... Tuy nhiên, trên thực tế, còn có những đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đúng quy định này, làm ảnh hưởng và gây mất niềm tin đối với người tố cáo.

 

Trong một lần đi cơ sở, tôi gặp anh T. công tác tại một cơ quan nhà nước, anh tỏ ra khá bức xúc: Mới đây, tôi có đơn gửi chính quyền địa phương A. để tố cáo một công chức, bởi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh này đã có thái độ, hành vi thiếu chuẩn mực và có sự can thiệp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi, cũng như một số người có liên quan. Mặc dù đang trong quá trình giải quyết đơn thì bất ngờ, anh K. là đồng nghiệp của tôi lại hỏi tôi về lá đơn đó. Anh K. cho biết, lãnh đạo địa phương A - người được giao trả lời đơn của tôi, đã trực tiếp gọi điện nói về nội dung này để có ý nhờ anh K. khuyên tôi rút đơn.

Cũng liên quan đến nội dung này, khi anh T. làm việc với cơ quan thanh tra của địa phương A., ông trưởng phòng thanh tra đã một mực yêu cầu anh T. phải cung cấp thông tin về đơn vị công tác, chức vụ đảng, chính quyền hiện tại… để ghi vào biên bản làm việc và nói đó là theo quy định của pháp luật. Mặc dù anh T. đã nhiều lần nhấn mạnh anh tố cáo với tư cách công dân, chứ không phải trên danh nghĩa công chức. Hơn nữa, anh T. cũng đã viết rất đầy đủ địa chỉ, số căn cước, số điện thoại trong đơn. Chỉ đến khi anh T. gọi điện hỏi ý kiến của luật sư và được khẳng định, anh T. không có nghĩa vụ phải cung cấp những thông tin theo yêu cầu vô lý đó, thì vị trưởng phòng thanh tra mới thôi làm khó anh T.

Qua sự việc nêu trên có thể thấy đâu đó trong việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư tố cáo của công dân, một số đơn vị, cá nhân cố tình hoặc vô tình đã làm lộ thông tin của người tố cáo, làm ảnh hưởng ít nhiều đến công việc, cuộc sống của họ và người thân. Thực tế này rất cần cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, quán triệt sâu sắc hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của những người có liên quan trong việc tiếp nhận và xử lý đơn thư.