Sau một khoảng thời gian dài nỗ lực chuẩn bị, Giải báo chí chuyên nghiệp cấp tỉnh đầu tiên của Thái Nguyên đã chính thức được vận hành, bắt đầu từ năm 2024. Điều đáng chú ý là tên của giải báo chí quan trọng này vinh dự được mang danh nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Lý do cũng là bởi Thái Nguyên - nơi ra đời trường dạy làm báo kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập năm 1949 mang tên cụ Huỳnh.
Lãnh đạo tỉnh, các đại biểu và tác giả, nhóm tác giả được trao Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ I - năm 2024, ngày 14/6/2024. |
Việc lần đầu tiên Thái Nguyên có giải báo chí cấp tỉnh đã đáp ứng được mong mỏi bấy lâu của người làm báo địa phương và khu vực, nhất là khi báo giới cả nước đang có nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Theo Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Bảo Lâm, dù ra đời muộn so với các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng cũng là một lợi thế vì được tham khảo, học hỏi cách làm đa dạng, phong phú của các địa phương đi trước.
Báo giới cả nước đều biết đến Thái Nguyên là nơi gắn với nhiều sự kiện, dấu mốc quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam. Nơi đây đã ra đời Hội Nhà báo Việt Nam tại xã Điềm Mặc (Định Hóa), Trường dạy làm báo đầu tiên tại xã Tân Thái (Đại Từ) cùng nhiều tờ báo lớn và những dấu ấn lịch sử khác về nền báo chí cách mạng.
Trong nhiều năm qua, những người làm báo Thái Nguyên đều mong muốn có được một giải báo chí cấp tỉnh để xứng đáng với truyền thống lịch sử ấy. Suốt nhiều năm, Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí của tỉnh đã đề xuất xin phép tổ chức một giải báo chí cấp tỉnh và đến nay đã thành hiện thực.
Đúng vào dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 32 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên và trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên tổ chức trao Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ I năm - 2024. Đây là điểm nhấn rất quan trọng, là thành tựu được khẳng định trong nhiệm kỳ Đại hội khóa VI của Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, để hướng tới Đại hội khóa VII được tổ chức vào tháng 10 tới.
Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên ra đời ghi nhận vai trò và nỗ lực rất lớn của Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan báo chí của tỉnh và những đơn vị liên quan, cũng như sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nguyễn Bảo Lâm, ngay từ tên gọi đã được cân nhắc rất kỹ, tham vấn các cơ quan báo chí và nhiều cơ quan liên quan, rồi các nhà báo có uy tín cả ở Trung ương và địa phương để thống nhất lấy tên của nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đặt cho Giải. Đây cũng chính là tên của Trường dạy làm báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng được tổ chức tại Thái Nguyên.
Hội Nhà báo tỉnh đã xây dựng dự thảo Đề án Giải báo chí, rồi sau khi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, nhất là Sở Thông tin và Truyền thông, đã xây dựng thành Kế hoạch tổ chức Giải để trình tỉnh. Qua rất nhiều lần chỉnh sửa, lấy ý kiến góp ý của các cơ quan báo chí của tỉnh, các Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh để có được văn bản hoàn chỉnh trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng được trao hai năm một lần vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là Giải báo chí có tính chuyên môn, nghiệp vụ cao vì ngay từ tên gọi là Giải báo chí chứ không phải cuộc thi báo chí mang tính chuyên đề. Tính chuyên nghiệp của Giải còn thể hiện ở chỗ các tác phẩm báo chí về Thái Nguyên trong thời gian 2 năm, chứ không tổ chức thường niên, nên sẽ có những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất được các tác giả lựa chọn để gửi dự thi. Tính chuyên nghiệp còn thể hiện từ việc ban hành các văn bản của Giải rất cẩn thận, đúng trình tự, thông qua nhiều cơ quan, ban ngành… để kiểm soát và thống nhất.
Để đảm bảo tính khách quan, chuyên nghiệp, cơ quan thường trực Giải thưởng là Hội Nhà báo tỉnh đã tham mưu mời các nhà báo uy tín ở Trung ương tham gia Hội đồng giám khảo gồm sơ khảo và chung khảo. Các tác phẩm tham dự Giải được tuyển chọn qua nhiều vòng, sơ tuyển từ các cơ quan báo chí, các chi hội, liên chi hội và qua cơ quan thường trực của Giải là Hội Nhà báo tỉnh, sau đó chấm sơ khảo, chung khảo…
Giải báo chí mang tên nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng chính là sự khẳng định, tôn vinh những giá trị nghề nghiệp và cũng là minh chứng cho sự cống hiến không mệt mỏi của những người làm báo nơi cội nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin