Thứ 5, 09/01/2025, 14:55

Hệ lụy từ việc thiếu kỹ năng mềm

Huệ Dinh 17:42, 21/08/2024

Với nhiều kỹ năng khác nhau như: giao tiếp, ứng xử, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, quản lý thời gian, làm việc nhóm, tư duy phản biện… kỹ năng mềm rất cần thiết trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cha mẹ ở Thái Nguyên đang quá bao bọc, bảo vệ con khiến lũ trẻ thiếu những kỹ năng này nên kéo theo nhiều hệ lụy.

Tham gia các hoạt động nhóm giúp trẻ được rèn kỹ năng mềm tại Trung tâm Đào tạo kỹ năng mềm Vietskill Thái Nguyên.
Tham gia các hoạt động nhóm giúp trẻ được rèn kỹ năng mềm tại Trung tâm Đào tạo kỹ năng mềm Vietskill Thái Nguyên.

 

Lũ trẻ “gà công nghiệp”

Năm nay, con trai chị L.H.H, tổ dân phố số 4, phường Hoàng Văn  Thụ (TP. Thái Nguyên), đã 8 tuổi nhưng cháu chưa biết tự tắm rửa, mặc quần áo. Đến bữa cơm, cháu vẫn phải đợi mẹ lấy bát, xới cơm, cắt thịt và xúc cho ăn. Cũng do được nuông chiều, ngoài giờ đi học, cháu không phải làm bất cứ việc gì trong gia đình. Đang thời điểm nghỉ hè, thay vì có thể giúp ông bà, bố mẹ quét nhà, rửa bát… cháu chỉ ở nhà xem tivi. Chị H. chia sẻ: Vợ chồng tôi khó khăn lắm mới sinh được mụn con. Vì vậy, tôi rất lo con mình khổ, nên tôi không muốn con phải động chân, tay vào bất cứ thứ gì.

Bao bọc và nuông chiều con như chị H. không phải là hiếm, nhất là ở khu vực thành thị. Ngay như hàng xóm của tôi, con gái của chị này đã là nữ sinh lớp 12 nhưng cháu hầu như không biết làm việc gì. Ngoài giờ học trên lớp, đi học thêm, cô bé ở lì trong phòng ôm điện thoại xem phim, đọc truyện... Mỗi hôm có công việc, phải đi cả ngày là chị hàng xóm lại dậy thật sớm nấu cơm, thức ăn để sẵn cho con. Ăn xong, con chị để bát bẩn chất đầy trong chậu chờ mẹ về dọn dẹp. Đã là thiếu nữ nhưng cô bé chưa từng cầm chổi quét nhà, giặt quần áo hay nấu một bữa cơm giúp bố mẹ.

Tôi đã từng nhắc nhở chị rằng, hơn 1 năm nữa, con sẽ đi học đại học xa nhà, không có những kỹ năng cần thiết, con có thể tự lập, sắp xếp thời gian học hành, ổn định cuộc sống hay không. Đối mặt với câu hỏi của tôi, chị chỉ biết lắc đầu thở dài. Chỉ bảo: Tôi cũng rất muốn rèn con nhưng nhìn cháu gầy gò, yếu ớt như vậy tôi lại không nỡ. Nghĩ đến việc con sắp phải đi học xa nhà, vợ chồng tôi đang rất đau đầu, không biết con có thể “trụ” vững để theo 4 năm học xa nhà đằng đẵng hay không?

Chất lượng cuộc sống của người dân Thái Nguyên ngày càng được nâng lên. Bởi thế, lũ trẻ cũng được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là được mẹ cha tạo điều kiện về học hành, chăm lo cái ăn, mặc hằng ngày. Tuy nhiên, chính sự quan tâm thái quá ấy đã biến nhiều đứa trẻ thành “gà công nghiệp” khi không biết những kỹ năng đơn giản như nấu cơm, rửa bát, quét nhà, giặt quần áo.

Nhiều trẻ, ngoài việc học chỉ biết ôm điện thoại đến mức nghiện Internet, không tham gia các hoạt động thể chất để rèn luyện sức khỏe dẫn đến béo phì. Nhiều trường hợp đã học đến cấp 3 vẫn chưa có phản ứng nhanh nhạy khi gặp các tình huống nguy hiểm, lừa đảo của kẻ gian hoặc chưa biết ứng xử hài hòa với người thân, thầy cô, bè bạn…

Người trẻ ly hôn tăng nhanh

Nhiều cặp vợ chồng mặc sức chiều con. Dù có lo lắng cho tương lai của những đứa con vì được nuông chiều nên sinh ra “khờ khạo” nhưng các ông bố, bà mẹ vẫn tặc lưỡi cho qua. Nhiều người luôn có suy nghĩ, cứ để lũ trẻ “thuận theo tự nhiên”, ra đời, con tự lớn. Tuy nhiên, suy nghĩ này đang làm hại lũ trẻ, ảnh hưởng đến cả hôn nhân của nhiều cặp vợ chồng trẻ.

Khảo sát từ thực tế cho thấy, do thiếu kỹ năng mềm trong cuộc sống nên nhiều cặp vợ chồng trẻ “hợp” rồi “tan” khá nhanh chóng. Chị V.T.T, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), có con trai 28 tuổi vừa ly hôn vợ, buồn bã nói: Vợ chồng tôi sinh được 2 con, cháu trai là con lớn và cháu gái là con út. Vì là cháu “đích tôn” nên thằng bé được ông bà, bố mẹ chiều hết mực. Từ khi sinh đến lúc lấy vợ, con trai tôi không phải làm bất cứ việc gì. 2 năm trước, cháu lấy vợ rồi sinh con. Vợ cháu cũng là con của một gia đình giàu có, hiếm muộn, được bố mẹ cưng như “trứng mỏng”. Cặp vợ chồng trẻ đã quen được nuông chiều, lại thêm có con ngay khi cưới chưa lâu nên chúng không biết sắp xếp, ổn định cuộc sống. Mỗi lần tôi đến thăm, nhà cửa của hai đứa bừa bộn. Con ốm, quấy khóc, hai đứa chúng nó cũng dừa nhau trông. Đến việc nấu bữa cơm, cả hai đứa cũng cãi lộn không muốn làm… Cứ như vậy, mâu thuẫn ngày càng lớn. Được sống sung sướng từ nhỏ nên cả hai đứa không thể chịu đựng được áp lực trong hôn nhân. Vì thế, chúng quyết định ly hôn. Giờ, cháu nội tôi được con dâu đưa về nhà mẹ đẻ. Hằng ngày, ông bà ngoại lại lo phần chăm cháu giúp con gái. Thằng cu bé bỏng mới được hơn 1 tuổi đã phải chịu cảnh bố mẹ chia ly…

Theo tổng hợp từ Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên, 10 năm trở lại đây, đơn vị này đã thụ lý trên 1.600 vụ ly hôn. Số vụ ly hôn năm sau cao hơn năm trước. Đáng báo động là hầu hết số vụ ly hôn tập trung vào các cặp vợ chồng đang ở lứa tuổi 25 đến 30 tuổi, mới chung sống cùng nhau từ 5 năm đổ lại.

Cần thiết rèn kỹ năng mềm cho trẻ

Thực trạng nêu trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những bậc làm mẹ cha hôm nay rằng, ngoài việc yêu thương, chiều chuộng, chăm sóc con cái ăn uống, học hành…, họ cũng cần quan tâm rèn kỹ năng mềm cho con, để các con có thể ứng phó được với mọi tình huống trong cuộc sống muôn sắc mầu.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Phước Bình, Trưởng Khoa Tâm bệnh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) - chuyên gia tâm lý, cho hay: Trong cuộc sống hiện đại, chỉ chăm lo cho con học hành, giỏi kiến thức, có bằng cấp, trình độ cao là chưa đủ. Để con phát triển toàn diện, bố mẹ cần thiết phải rèn kỹ năng mềm cho trẻ.

Cũng theo chuyên gia tâm lý này, việc rèn kỹ năng mềm phải bắt đầu từ nhận thức và thay đổi tư duy, suy nghĩ của cha mẹ. Theo đó, đấng sinh thành nên rèn luyện cho con các kỹ năng cần thiết ngay từ khi còn bé, nhất là tính tự lập trong vệ sinh cá nhân ở lứa tuổi mầm non; chủ động giúp bố mẹ các công việc phù hợp với từng giai đoạn, lứa tuổi, như rửa bát, quét nhà, nấu cơm. Đặc biệt, cha mẹ nên hướng dẫn cho các con biết cách ứng xử, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Đồng thời rèn cho con kỹ năng giao tiếp, khả năng thích nghi, quản lý thời gian…

Thực tế cuộc sống đã chứng minh, kỹ năng mềm không thể rèn luyện trong một sớm, một chiều. Do đó, cha mẹ nên theo sát con trong suốt hành trình trưởng thành, uốn nắn, định hướng để con cái có thể chủ động xây dựng cuộc sống của mình trong tương lai.