Trước ngày Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 54, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3), tổ chức gặp mặt tại xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ - nơi Trung đoàn 54 từng đóng quân, trời nắng nóng gay gắt, không khí oi nồng nhưng không làm giảm bớt sự hồi hộp, háo hức trong lòng những người lính Cụ Hồ năm xưa. 150 cựu chiến binh từ nhiều miền quê của Tổ quốc đã di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa, ô tô… để kịp về hội tụ tại mảnh đất giàu nghĩa tình, gặp mặt quân - dân trong bầu không khí chứa chan tình cảm.
Các cựu chiến binh Trung đoàn 54 chụp ảnh lưu niệm cùng nhân dân xã Bản Ngoại. |
45 năm đã trôi qua kể từ ngày những chàng trai, cô gái năm nào, tuổi mới tròn mười tám, đôi mươi mang trong mình bầu nhiệt huyết, không sợ khó, không ngại khổ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, giờ mái tóc đã pha sương, bước chân không còn nhanh nhẹn nhưng khi gặp lại nhau, họ như được sống lại một thời tuổi trẻ.
Ai cũng hào hứng, phấn khởi ôn lại kỷ niệm xưa, siết chặt tay, trao cho nhau những cái ôm thắm thiết. Góc này, góc kia là hình ảnh người lính Cụ Hồ trong màu áo xanh thân thương đứng trò chuyện với người dân xã Bản Ngoại, nồng ấm trao nhau ánh mắt, nụ cười, những lời hỏi thăm thân tình như người nhà lâu ngày gặp lại.
Đại tá Trần Quang Hảo, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 54, xúc động chia sẻ: Năm 1978, sau khi giúp nước bạn Campuchia tiêu diệt bè lũ diệt chủng Pôn pốt-Iêng Sari, chúng tôi nhận được lệnh gấp rút trở về nước rồi thần tốc bằng đường không từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Nội Bài, nhanh chóng hành quân về Đại Từ, Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) để chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới chống quân xâm lược phương Bắc. Đó là những ngày đầu mùa Thu năm 1979, tôi không thể quên những trận mưa trắng trời, con đập tràn qua xóm Phú Minh, xã Phú Thịnh tung bọt trắng xóa như những con bạch mã bất kham, gây cản trở thông tin liên lạc vì lúc đó chủ yếu bằng đường dây hữu tuyến và vô tuyến. Có chiến sĩ đã hy sinh khi vượt đập tràn để rải dây cho kịp thông tin với Sư đoàn. Trước tình hình đó, đơn vị được lệnh của cấp trên, chuyển vị trí đóng quân từ Phú Thịnh sang 2 xã La Bằng và Bản Ngoại. Điều kiện ăn, ở vô cùng khó khăn và thiếu thốn, doanh trại chưa kịp dựng, chúng tôi phải ở nhờ nhà dân. Dù lúc đó, đời sống của người dân cũng nghèo túng, nhà tranh vách đất đơn sơ nhưng họ vẫn sẵn sàng chở che, đùm bọc chúng tôi như người thân của họ.
Trung tá Lâm Xuân Thi tiếp lời: Nhân dân các dân tộc 3 xã Phú Thịnh - La Bằng - Bản Ngoại nói riêng và nhân dân huyện Đại Từ nói chung đã quyên góp, hỗ trợ chúng tôi từ cân gạo, bó măng, quả trám khiến cán bộ, chiến sĩ thêm ấm lòng, ý chí được nâng cao, quyết tâm đánh thắng kẻ thù ngày càng sắt đá. Nhiều gia đình đã hy sinh lợi ích lớn của mình cho đơn vị, như gia đình bác Triệu Phúc, xóm Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại, sẵn sàng chặt cả rừng vầu đang xanh tốt, lấy cây làm nhà, dành đất dựng doanh trại. Có nhà lại đốn cả bãi chè đang thu hoạch để bộ đội có chỗ ở, nhường ruộng cho bộ đội cấy lúa lấy gạo ăn thay bo bo, khoai, sắn… Nay chúng tôi trở lại, cảnh vật đã khác xưa, người còn, người mất nhưng tình nghĩa quân dân như cá với nước, gắn bó keo sơn, mãi mãi khắc ghi trong tim, không thể quên.
Được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của đồng bào các dân tộc nơi đây, có chiến sĩ đã bén duyên với thôn nữ Bản Ngoại, họ thành một gia đình trong sự chúc phúc của đồng đội và dân làng. Từ mảnh đất này, có nhiều cán bộ, chiến sĩ đã trưởng thành, tiến bộ, trở thành tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong Quân đội như Trung tướng Trần Đức Nhân; Thiếu tướng Nguyễn Văn Ngân…
Ngày gặp mặt, dù tuổi cao, sức yếu nhưng Trung tướng Trần Đức Nhân cũng vượt hơn 100 cây số từ Hà Nội về Bản Ngoại để “ôn cổ tri tân” với đồng đội. Ông nói: Vì thời gian có hạn, tôi không thể nói hết được nhưng khó khăn, vất vả của những người lính năm xưa cũng như tình cảm chân thành, quý mến, lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi với nhân dân nơi đây. Chỉ biết rằng, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chọn nơi này là quê hương thứ 2, đã xây dựng tổ ấm trên mảnh đất Đại Từ dầy truyền thống cách mạng. Đến nay, nhiều đồng chí đã ra đi, nhưng các thế hệ con cháu nối tiếp hào khí của cha ông cùng bà con nỗ lực xây dựng các xã Phú Thịnh - La Bằng - Bản Ngoại nói riêng và huyện Đại Từ nói chung ngày càng giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc.
Đại diện Ban Liên lạc Trung đoàn 54 trao quà tặng đối tượng nạn nhân chất độc da cam/điôxin, gia đình cựu chiến binh còn khó khăn của xã Bản Ngoại. |
Sau khi 10 người dân thuộc đối tượng nạn nhân chất độc da cam/điôxin, gia đình cựu chiến binh Trung đoàn 54 còn nhiều khó khăn của xã Bản Ngoại nhận những phần quà thiết thực, ý nghĩa do Ban Liên lạc trao tặng, cô Trần Thị Liên, xóm Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: 45 năm trôi qua, nay tôi mới có dịp gặp lại những người lính năm xưa ở nhờ gia đình tôi. Có người tới thăm gia đình tôi từ tối 10-8.
Tất cả đã thành ông, thành bà, có người tôi nhận ra, có người không nhận ra, nhưng khi gặp nhau không kìm nén được niềm vui, sự xúc động, kỷ miệm ùa về như mới hôm qua. Căn nhà tranh vách đất nhỏ bé của gia đình tôi vậy mà cũng giúp được cả một tiểu đội tránh nắng, mưa. Lúc đó, tôi mới 20 tuổi, là Bí thư Chi đoàn Thanh niên, nên thường vận động các đoàn viên, thanh niên cùng các chiến sĩ giao lưu văn nghệ, tập luyện thể dục, thể thao để tình quân dân thêm gắn bó.
Tại sân UBND xã Bản Ngoại, rạp đã bắc xong, bếp đã nổi lửa, rượu ngô thơm nồng được rót đầy chai, nhiều món ăn dân giã được các đầu bếp xào nấu bằng cả tâm huyết để trân trọng mời những người lính năm xưa. Người vào ra tấp nập, đông vui như ngày hội lớn, rộn ràng trong tiếng nói, cười, câu ca, điệu nhạc. Bất chợt trong tôi văang lên những câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Các anh đi/ Ngày ấy đã lâu rồi/ Xóm làng tôi còn nhớ mãi…/ Các anh về mái ấm nhà vui/ Tiếng hát câu cười/ Rộn ràng xóm nhỏ/ Các anh về tưng bừng trước ngõ/ Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau/ Mẹ già bịn rịn áo nâu/ Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về”.
Trung đoàn 54, tiền thân là Tiểu đoàn 811, sau đổi thành Tiểu đoàn 834 được thành lập ngày 8/6/1949, là tiểu đoàn pháo binh đầu tiên trên đồng bằng Bắc Bộ. Năm 1954, sau một trận chiến đấu ác liệt ở cứ điểm Kinh Thanh (Nam Định), Tiểu đoàn 834 đã giành thắng lợi vang dội, được Bác Hồ khen ngợi, tặng Giải lụa vàng và đặt tên là Tiểu đoàn Pháo binh Kinh Thanh. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin