Chúng tôi về xã Quy Kỳ (Định Hóa) trong những ngày mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trận mưa lũ kèm theo gió lốc, sạt lở đất xảy ra trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua đã khiến nhiều nông dân ở đây rơi vào cảnh trắng tay. Cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn khi nhà cửa bị sập, hàng chục héc-ta lúa hè thu đang thời kỳ làm đòng bị ngập úng, vùi lấp, cây rừng gẫy đổ, diện tích nuôi thủy sản cũng trôi theo dòng nước...
Căn nhà và công trình phụ của gia đình ông Nguyễn Văn Lý bị sập do sạt lở đất. |
Trong gian nhà dựng tạm trên khu chuồng trước đây để nuôi lợn, gà, vợ chồng ông Nguyễn Văn Lý, bà Hoàng Thị Thu, ở xóm Thái Trung, xã Quy Kỳ, vẫn chưa hết bàng hoàng. Ngước nhìn về phía ngôi nhà mới bị đổ sập do mưa lũ, sạt lở đất nay ngổn ngang phế liệu, chôn vùi bởi đất đá, ông bảo, khi đó là khoảng 2 giờ 30 phút chiều, chúng tôi đang nghỉ trưa thì nghe thấy tiếng đất đổ ở bếp, rồi khoảng 1 tiếng sau, khối lượng đất lớn đổ xuống khiến toàn bộ căn nhà bị sập. Sinh sống ở đây hàng chục năm, tôi chưa thấy sạt lở đất như vậy bao giờ!.
Ngôi nhà mái thái (cách chân núi hơn 3m, phía trước là Quốc lộ 3C), ông bà xây từ năm 2014, trên diện tích hơn 400m2 thổ cư. Cùng với thiệt hại về nhà ở, trận mưa lũ vừa qua cũng khiến 6 sào ao của gia đình bị ảnh hưởng. Được biết, vợ chồng ông là những nông dân năng động, chịu khó trong phát triển kinh tế ở địa phương, từng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh tôn vinh là gương sản xuất, kinh doanh giỏi những năm 2012. Vậy mà trong chốc lát, gia đình ông sống trong cảnh trắng tay, cuộc sống bị đảo lộn, khó khăn.
Rời nhà ông Lý, chúng tôi theo cán bộ nông nghiệp xã đi một vòng, trận mưa lũ đi qua, cánh đồng Na Sàng loang lổ khi chỗ thì ngập sâu trong đất đá, chỗ thì bị cuốn trôi đất bờ bãi, tạo thành hố sâu, dòng chảy giữa đồng. Nhìn những ruộng lúa đang kỳ trổ đòng nay trơ trọi, biến dạng, anh Mạc Văn Tiền chua xót nói: Nhà tôi có tất cả 4 sào ruộng. Ruộng đất khá tốt nên năng suất lúa hai vụ đạt cao, khoảng 2 tạ lúa/sào nếu không có thiên tai. Giờ lúa mất đã đành nhưng tôi cũng không biết xử lý thế nào để ruộng có thể về hiện trạng ban đầu.
Gia đình anh Tiền là hộ nghèo, nhà có 4 người, hai vợ chồng, 2 đứa con nhỏ. bản thân anh sức khỏe không tốt. Do ruộng đều nằm ven suối, nên trung bình 3 năm ảnh hưởng 1 trận lũ, sau lũ anh thường mất từ 2-3 triệu đồng để thuê máy san ủi, cứ hồi phục trận này chưa xong thì trận khác lại tới nên cuộc sống loay hoay trong cái nghèo. Năm nay thiệt hại nặng nề, nguy cơ thiếu gạo ăn đang hiện rõ.
Đã 3 tuần sau trận mưa lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8, người dân xã Quy Kỳ vẫn chưa thể phục hồi hiện trạng một số ruộng lúa bị đất đá vùi lấp. |
Ông Hoàng Văn Tụng, Trưởng xóm Gốc Hồng, thông tin: 30/75 hộ trong xóm có diện tích lúa bị ảnh hưởng, thiệt hại sau trận mưa lũ với diện tích trên 3ha. Mưa lũ gây ngập úng với người dân ở đây là chuyện thường tình. Thế nhưng năm nay mưa kéo dài, đất đá sát lở, trôi theo dòng nước lũ, dòng suối biến dạng, hình thành dòng chảy giữa đồng, khiến nhiều hộ dân như mất ruộng khi không thể canh tác, không biết khắc phục thế nào. Nếu không can thiệp thì xóm sẽ mất trắng khoảng 6 mẫu ruộng, bởi vậy chúng tôi rất mong được hỗ trợ đắp lại dòng suối Cạn, san gạt, lấp dòng chảy, hố sâu trên cánh đồng này.
Ở Gốc Hồng, đời sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào cây lúa. Là xóm đặc biệt khó khăn của huyện Định Hóa, những năm gần đây, người dân cũng được hỗ trợ tham gia các dự án, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất, giá trị từ cây lúa cũng tăng lên.
Trong trận mưa lũ, sạt lở đất lịch sử trên địa bàn huyện Định Hóa vừa qua, Quy Kỳ là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề. Theo thống kê, trên địa bàn xã có 148 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở và các công trình tường rào, chuồng trại, trong đó 3 hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở; trên 20ha lúa, hoa màu, rừng, 16ha ao cá của hàng trăm hộ dân bị thiệt hại. Mưa lớn kéo dài làm sạt lở khối lượng lớn đất đá, sói mòn, sạt lở ta luy tại các tuyến đường, nhà văn hóa, hệ thống kênh mương... tổng thiệt hại gần 1,6 tỷ đồng.
Những năm gầy đây, bắt tay xây dựng nông thôn mới, nông dân xã Quy Kỳ đã tích cực lao động, sản xuất, chuyển đổi sang giống cây trồng phù hợp, năng suất cao. Trong cơ cấu nông nghiệp hiện nay, lúa và rừng quế đang chiếm chủ đạo. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi, suối đan xen nên hằng năm không tránh khỏi những thiệt hại do thiên tai, bão lũ.
Ông Hoàng Từ Điển, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trận lũ, sạt lở đất năm nay khá lớn, toàn bộ diện tích lúa nằm dọc theo con suối chảy từ khu vực đèo So qua địa bàn bị cuốn trôi, vùi lấp, gần như mất trắng, lần đầu tiên trên địa bàn xảy ra sạt lở khiến nhà sập hoàn toàn. Bên cạnh thăm hỏi, vận động tổ chức ứng cứu các hộ dân bị thiệt hại nặng sau lũ, hiện xã đã hoàn thành rà soát, thống kê các hộ bị thiệt hại gửi về huyện đề nghị hỗ trợ ban đầu. Việc cải tạo những thửa ruộng bị vùi lấp đất đá hoặc trũng sâu do lũ sẽ khó khăn hơn, song như mọi năm, xã sẽ hỗ trợ phần nào chi phí máy móc để bà con xử lý, khắc phục hậu quả...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin