Than sinh học được xem là “vàng đen” cho sản xuất nông nghiêp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn. Với mong muốn phục hồi “sức khoẻ” cho đất sau nhiều năm lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hoá học cũng như tận dụng tiềm năng sẵn có, những năm gầy đây, nông dân, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu ứng dụng than sinh học vào sản xuất nông nghiệp.
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) phối hợp với Công ty CP Carbon sinh học Biochar hỗ trợ lò đốt than và chia sẻ lợi ích, kỹ năng vận hành lò đốt than sinh học cho nông dân xã Cây Thị (Đồng Hỷ). |
Than sinh học (tên khoa học là Biochar) là sản phẩm thu được từ quá trình nhiệt phân trong điều kiện hiếm khí. Những vật liệu tổng hợp được tận dụng từ những phế phụ phẩm của ngành nông - lâm nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất than, nên than sinh học giải quyết được bài toán kép là “giảm thiểu hiệu ứng nhà kính” và “giải quyết rác thải hữu cơ”. Đồng thời nó cũng đem lại lợi ích kép là gia tăng giá trị kinh tế và bảo vệ sức khỏe con người. |
Năm 2019, trong một lần về quê tại Phú Bình, anh Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Trà an toàn Phú Đô (Phú Lương) thấy mọi người đốt than bán nên học cách làm. Sau đó, tìm hiểu tài liệu thấy than sinh học có rất nhiều lợi ích, nhất là trong việc cải tạo, phục hồi đất, bảo vệ môi trường… anh đã sử dụng than sinh học để bón cho nương chè.
Anh Tuấn cho biết: Than sinh học khi đưa vào đất như một chất cải tạo, giúp nâng cao chất lượng mùn, tăng cường hoạt động của vi sinh vật, khả năng giữ nước giữ ẩm, chất dinh dưỡng tốt. Đây là bước đệm quan trọng để sản xuất chè hữu cơ, lưu trữ lượng cacbon trong đất, giảm phác thải khí nhà kính. Vì những lợi ích đó, tôi tận dụng hết các phế phụ phẩm nông lâm nghiệp từ đầu mẩu gỗ, củi, xương động vật, vỏ dừa... để đốt lấy than rồi đào hố bón cho chè. Sau vài năm dùng than sinh học, hiện sản lượng chè tăng lên từ 15-20%, tiết kiêm 10% lượng phân bón giúp thành phần của đất trở nên tơi xốp, cải thiện độ PH, đất có nhiều giun, vi sinh vật sinh sống hơn. Đây là những tín hiệu cho thấy môi trường đất được nâng lên rõ rệt.
Không chỉ tại xã Phú Đô, nhiều hộ dân ở các địa phương khác cũng đang hướng tới sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ, do đó việc sử dụng lò đốt than sinh học sẽ giúp chủ động nguồn nguyên liệu để phối trộn với phân hữu cơ và vi sinh. Anh Lâm Xuân Quang, Giám đốc HTX Nông sản Vạn Lộc, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) chia sẻ: Chúng tôi có trên 4.000 gốc tre, sản phẩm măng tre lục trúc đã được chứng nhận VietGAP. Sau khi được Hội Nông dân tỉnh, Công ty CP Carbon sinh học Biochar hỗ trợ 2 lò đốt năm 2023, HTX đã khai thác tối đa công năng sử dụng. Trung bình 120kg nguyên liệu sẽ được 40-45kg than sinh học. Nhờ vậy, đơn vị đã bước đầu chủ động được nguồn phân bón đảm bảo và tiết giảm được 50% kinh phí so với việc phải mua phân bón như trước đây.
Còn theo chị Trương Thị Thảo, ở xóm Đồng Đông, xã Thành Công (TP. Phổ Yên) thì việc sử dụng than sinh học có tác dụng trừ sâu bệnh và tăng năng suất, chất lượng chè, người làm chè cũng cảm thấy an toàn cho sức khoẻ trong quá trình sản xuất, chế biến. Nếu trước mỗi lứa chè chị phải phun khoảng 4 lần thì giờ chỉ 1-2 lần; năng suất tăng lên từ 30 lên 40kg chè tươi mỗi sào.
Để hỗ trợ, khuyến khích sử dụng than sinh học, giữa năm 2023, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã phối hợp với Công ty CP Carbon sinh học Biochar thực hiện Dự án sản xuất than sinh học và bảo vệ môi trường cho hội viên nông dân trên địa bàn. Theo đó, Trung tâm đã phối hợp với cán bộ Công ty và giảng viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức 20 lớp tập huấn cho 1.200 cán bộ, hội viên nông dân tại 20 xã trên địa bàn 5 huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương, Định Hoá và cấp miễn phí 19 lò đốt than sinh học cho nông dân.
Ông Lê Đàm Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) cho biết: Than sinh học sau khi được tạo ra có thể được phối trộn với phân bón hữu cơ hoặc kết hợp với phân bón hữu cơ tạo ra sản phẩm phân bón chất lượng cao cho cây trồng, nhằm hướng đến sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Dự án mới triển khai song được nông dân đón nhận và áp dụng tích cực.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn tuyên truyền về lợi ích hiệu quả và kỹ thuật sử dụng than sinh học cho hội viên, nông dân; phối hợp với các đơn vị mở rộng hoạt động thí điểm sản xuất than sinh học tại Thái Nguyên vì nhiều địa phương có nhu cầu; hỗ trợ thêm lò đốt than cho các đối tượng HTX, trang trại đang sản xuất hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ, tiến tới mở rộng tới các hộ sản xuất cá thể, hộ có nhiều phế phụ phẩm nông nghiệp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin