Trong chương trình "Trái tim cho em" diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-8 vừa qua tại Bệnh viện A Thái Nguyên, có 1.060 trẻ em dưới 18 tuổi được khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh. Trong số này, 49 trẻ được chỉ định can thiệp, phẫu thuật và hướng dẫn thực hiện các thủ tục cần thiết để xin hỗ trợ từ Chương trình, nhen lên niềm hy vọng cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Rất đông người đưa con, cháu đến khám tại chương trình “Trái tim cho em”. |
Chương trình "Trái tim cho em" được sáng lập và điều hành bởi Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 2008. Với Thái Nguyên, đây là lần đầu tiên Chương tình được tổ chức.
Để nhiều người biết đến Chương trình, Viettel đã nhiều lần gửi tin nhắn cho tất cả khách hàng đang sử dụng đầu số của Viettel. Cùng với đó, tại các địa phương, người dân cũng được thông tin trên các hội nhóm Zalo/Facebook của xóm/tổ dân phố. Ở những vùng sâu, vùng xa, chính quyền xã còn gửi thông báo tới tận hộ để người dân nắm được. Chính vì thế, rất nhiều người ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh đã “khăn gói” đưa con, cháu về thăm khám tại Chương trình.
Bà Triệu Thị Đoan (ở xóm Na Hấu, xã Nghinh Tường, Võ Nhai), cùng 2 người trong xóm đã “rủ nhau” thuê chung chiếc xe ô tô con để đưa 3 đứa trẻ về khám tại Chương trình. Để kịp khám cho cháu nội trong buổi sáng 17-8, bà và cháu xuất phát từ nhà lúc 5 giờ. Bà Đoan bảo: Thấy cháu gầy, còi, thỉnh thoảng lại ốm nên khi biết có bác sĩ Bệnh viện E Trung ương trực tiếp thăm khám nên tôi đã đưa cháu về đây. Rất may, cháu không có bệnh lý gì về tim.
Còn đối với chị Vũ Thị Thu Hạnh (ở tổ dân phố Diện, phường Hồng Tiến, TP. Phổ Yên) thì Chương trình là cơ hội vàng để con trai 5 tháng tuổi của chị có thể được mổ tim trong thời gian sớm nhất. Cháu không may mắc hội chứng Williams, mà theo lời giải thích của bác sĩ thì cứ khoảng 10 nghìn trẻ mới có một trường hợp mắc.
Trước đó, do khó khăn trong sinh nở, lấy nhau đã 7 năm mà chưa có con nên vợ chồng chị quyết định sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, với chi phí lên tới gần 200 triệu đồng. Trong quá trình nuôi cấy phôi, do mất nhiều thời gian thăm khám nên chị nghỉ việc ở công ty may. Đến tuần thứ 34, thai nhi không phát triển nên chị phải mổ cấp cứu.
Cũng do mắc hội chứng Williams nên cháu phát sinh nhiều bệnh. Hồi đầu tháng 8, cháu vừa được mổ thoát vị bẹn và tràn dịch tinh hoàn 2 bên. Hiện, gia đình chị rất khó khăn. 4 người (gồm cả mẹ chồng chị đã gần 80 tuổi) trông cả vào đồng lương thợ xây của chồng chị nên gia đình đang đề nghị chính quyền địa phương xét công nhận hộ nghèo. Chị hy vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ từ Chương trình để con sớm được mổ, mang lại hy vọng sống khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường khác.
Nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa đưa con, cháu đến khám theo chương trình “Trái tim cho em” tại Bệnh viện A Thái Nguyên. |
Cũng có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng đến với “Trái tim cho em”, hy vọng về tương lai của con đã nhen lên đối với vợ chồng chị Ngô Thị Tương, xóm Làng Ngói, xã Cổ Lũng (Phú Lương). Con gái thứ 2 của anh chị bị tim bẩm sinh và được phát hiện khi thai kỳ ở tháng thứ 7. Chị cũng sinh non trong tình trạng mổ cấp cứu, do huyết áp tăng cao.
Hồi mới sinh con, vợ chồng chị luôn phải "gắn bó" với bệnh viện, có những tháng phải về Hà Nội tới 4 lần, với 20 ngày điều trị. Con chị khi mới được vài tháng đã phải thở oxy và bị bệnh viện trả về. Rất may sau đó, cháu đã cai được máy thở. Nhiều người bảo, với tình trạng bệnh tim phức tạp của cháu, khả năng sống chỉ được 1-2 tuổi. Vậy nhưng, giờ cháu đã lên 7.
Biết tin về Chương trình, 2 vợ chồng chị đưa con về thành phố để các bác sĩ kiểm tra. Nhìn đứa trẻ gầy gò. chỉ nặng 12kg cứ líu lo cười đùa vui vẻ, liên tục nhắc mẹ nhớ xuống nhận quà, lòng chúng tôi không khỏi thương xót. Theo lịch hẹn của bác sĩ Bệnh viện E vào cuối tháng 8 này, vợ chồng chị sẽ cố gắng hoàn thành sớm các thủ tục để xin hỗ trợ, để con được mổ.
Trực tiếp có mặt tại các bàn khám và bàn kết luận sau khám, chúng tôi được biết có những trường hợp khi đến đây đã trong tình trạng báo động, như bệnh nhân 15 tuổi có đường kính tâm thất lên tới 57mm, trong khi kích thước bình thường của người trưởng thành chỉ là 40mm. Bệnh nhân này bị hở van 2 lá do đứt dây chằng, được chỉ định phẫu thuật gấp, vì nguy cơ suy tim rất nặng…
Đa số trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Cũng vì thế, các cháu mới không hoặc ít có điều kiện được thăm khám hay mổ theo chỉ định của bác sĩ.
Theo thống kê của Ban Tổ chức Chương trình, kinh phí trung bình mỗi ca mổ khoảng 40 triệu đồng (ngoài số tiền mà bảo hiểm y tế đã chi trả và không tính chi phí ăn uống, đi lại của gia đình người bệnh). Việc có con mắc bệnh tim bẩm sinh là một gánh nặng rất lớn, không phải gia đình nào cũng có thể trang trải. Chính vì thế, chương trình “Trái tim cho em” được tổ chức tại Thái Nguyên đã và đang mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, nhen lên niềm hy vọng cho nhiều gia đình...
Theo thống kê của ngành Tim mạch Việt Nam, trung bình mỗi năm, cả nước có hơn 1,5 triệu trẻ ra đời, trong đó có khoảng 10-12 nghìn trẻ mắc bệnh lý về tim mạch. Trong số những bệnh nhi này, có khoảng 50% trẻ bị tim bẩm sinh rất nặng nhưng chỉ khoảng 50% trẻ được phẫu thuật. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin