Từ 2G lên 4G: Cơ hội tiếp cận dịch vụ số chi phí hợp lý

Thu Hà 08:47, 15/08/2024

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên cả nước sẽ thực hiện khóa sóng đối với các mẫu điện thoại di động sử dụng công nghệ 2G không được chứng nhận hợp quy. Người dùng muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ phải nâng cấp lên các thiết bị hỗ trợ 4G. Đây là chủ trương phù hợp với xu thế và nhu cầu của khách hàng, đồng thời cũng là cơ hội để người dân tiếp cận dịch vụ số, dần dần hình thành xã hội số.

Chị Triệu Thị Xuân (người dân tộc Dao ở xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, Võ Nhai) sử dụng điện thoại 4G kết nối với người thân, khai thác thông tin, học hỏi kinh nghiệm phát triển sản xuất nông nghiệp.
Chị Triệu Thị Xuân (người dân tộc Dao ở xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, Võ Nhai) sử dụng điện thoại 4G kết nối với người thân, khai thác thông tin, học hỏi kinh nghiệm phát triển sản xuất nông nghiệp.

Xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, từng là một trong những vùng “lõm” thông tin của huyện Võ Nhai. Từ tháng 5-2021, với sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông, Viettel Thái Nguyên đã phủ sóng 4G tới trung tâm và hầu hết các khu vực có nhiều hộ dân trong xóm sinh sống.

Là một trong những người đầu tiên tiếp cận với mạng viễn thông 4G, chị Triệu Thị Xuân chia sẻ: Từ ngày xóm Cao Biền có sóng 4G, tôi đã mua một chiếc điện thoại thông minh để sử dụng. Với Internet 4G, tôi có thể kết nối với người thân qua mạng xã hội, khai thác thông tin, học hỏi kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, đặc biệt là kinh nghiệm chăm sóc trên 2ha cây hồi của gia đình. Ngoài ra, tôi còn sử dụng Internet 4G để nghe nhạc, xem phim… những lúc rảnh rỗi.

Cao Biền là xóm vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm xã trên 10km, Internet 4G đặc biệt quan trọng với 49 hộ người dân tộc Dao nơi đây. Bí thư Chi bộ xóm Cao Biền Triệu Hữu Tiến chia sẻ: Có Internet 4G, người dân chúng tôi được tiếp cận thông tin thời sự hằng ngày, một số thủ tục hành chính trực tuyến và học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, học sinh đến trường được học những bài học trực quan qua hình ảnh…

Mạng 4G là công nghệ truyền thông không dây cho phép truyền tải dữ liệu tốc độ cao. Nếu như mạng 2G chỉ cơ bản đáp ứng một vài chức năng chính của điện thoại di động là gọi điện thoại, nhắn tin thì 4G vừa cho phép người dùng thực hiện các chức năng cơ bản của nền tảng 2G, đồng thời có thể kết nối Internet tốc độ cao, có thể lên tới tương đương với mạng hữu tuyến sử dụng cáp quang thông thường.

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Phú Thượng (Võ Nhai) hướng dẫn người dân khai thác thông tin qua Internet 4G không dây băng thông rộng.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Phú Thượng (Võ Nhai) hướng dẫn người dân khai thác thông tin qua Internet 4G không dây băng thông rộng.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn cả nước sẽ thực hiện khóa sóng đối với các mẫu điện thoại di động 2G không được chứng nhận hợp quy từ ngày 16/9/2024. Và từ ngày 16/9/2026, hạ tầng viễn thông sử dụng công nghệ 2G sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn, chỉ cung cấp hạn hẹp tại một số khu vực biển đảo; hạ tầng viễn thông sử dụng công nghệ 3G cũng sẽ ngừng hoạt động vào năm 2028.

Việc tắt sóng 2G là chủ trương phù hợp với xu thế cũng như nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn hiện nay. Ông Trần Ngọc Dĩnh, Trưởng Phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Chuyển đổi từ mạng 2G sang mạng viễn thông 4G và tới đây là 5G sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Trước tiên, người dùng 4G có thể tiếp cận với dịch vụ Internet tốc độ cao phục vụ công việc và đời sống với chi phí hợp lý. Với nhiều doanh nghiệp, 4G hỗ trợ tích cực cho sản xuất, kinh doanh đòi hỏi kết nối không dây với tốc độ cao. Đặc biệt, với mạng 5G, người sử dụng có thể kết nối Internet tốc độ cao băng thông rộng và lượng người dùng đồng thời rất lớn.

Với chính quyền, nhà quản lý, mạng di động 4G/5G với ưu điểm tốc độ cao, băng thông rộng sẽ giúp triển khai các dịch vụ cần lưu lượng dữ liệu lớn, dịch vụ tương tác, dịch vụ hành chính công tới đông đảo người dân, doanh nghiệp. Với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, việc chuyển hẳn sang phát sóng công nghệ 4G/5G giúp giảm chi phí vận hành nhiều nền tảng, từ đó nâng cao chất lượng, giảm giá cung cấp dịch vụ cho người dân…

Theo ông Dĩnh, để giúp người dân tiếp cận được với Internet không dây băng thông rộng 4G, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương và doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông di động. Bên cạnh đó, Sở cũng khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hỗ trợ người dân chuyển đổi từ thiết bị sử dụng công nghệ 2G sang công nghệ 4G; hỗ trợ sim 4G; hỗ trợ các gói cước ưu đãi cho người dân…

Đến nay, 100% xóm trong tỉnh đã được kết nối Internet băng thông rộng; toàn tỉnh có 1,8 nghìn trạm thu phát sóng điện thoại di động (BTS). Nhờ đó, vùng phủ và tín hiệu sóng di động ổn định, tỷ lệ người dân dùng điện thoại trên địa bàn tỉnh đạt 95%, tỷ lệ người dùng Internet đạt 86% số dân...