Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hiện tượng các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng (shipper) của một số đơn vị vận chuyển để chiếm đoạt tiền. Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, mới xuất hiện nên mọi người cần đề cao cảnh giác, nhất là những người có thói quen mua hàng online.
Tin nhắn đối tượng giả danh shipper hướng dẫn người nhận hàng hủy giao dịch chuyển khoản. |
Mới đây, trong giờ làm việc, tôi nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại 0784 418 xxx. Người gọi là nam, tự xưng là nhân viên của công ty vận chuyển giao hàng tiết kiệm, cần gửi cho tôi một gói hàng đã được thanh toán tiền hàng nhưng chưa thanh toán cước phí, số tiền cước là 35 nghìn đồng, địa chỉ người nhận là tại nhà riêng.
Do không ở nhà và đang có đơn hàng mua online chờ nhận nên tôi nhờ shiper gửi hàng vào nhà và chuyển phí vận chuyển theo số tài khoản của ngân hàng MB mà người này cung cấp. Khoảng 5 phút sau khi đã chuyển khoản thành công, shipper tiếp tục gọi điện cho tôi thông báo đã gửi nhầm số tài khoản hội viên của công ty nên đề nghị tôi kết bạn Zalo để gửi đường link hủy giao dịch. Nếu không thực hiện theo hướng dẫn thì tài khoản của tôi sẽ được kích hoạt gói cước hội viên của bên vận chuyển và mỗi tháng tài khoản của tôi sẽ tự động bị trừ 3,5 triệu đồng.
Nghi ngờ đây là đối tượng lừa đảo, tôi yêu cầu shipper cung cấp họ tên để xác minh lại thông tin với đơn vị vận chuyển thì người này trả lời vòng vo rồi cúp điện thoại. Sau đó tôi có gọi lại số điện thoại trên thì không liên lạc được và tất nhiên cũng không có gói hàng nào được gửi cho tôi.
Tìm hiểu về chiêu thức lừa đảo trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo... mới thấy đây là một hình thức mới xuất hiện và đã có những bài viết của một số người được cho là nạn nhân bị shipper giả danh lừa đảo chia sẻ, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của những đối tượng này. Đa số bài viết đều cho rằng đây là chiêu thức lừa đảo tinh vi.
Các shipper “rởm” có chung “kịch bản” là dùng nhiều số điện thoại lạ để gọi điện thoại giả danh công ty giao hàng. Thời gian gọi thường là giờ hành chính và đối tượng để lừa là những người có thói quen mua hàng online. Nếu người nhận nói đang ở nhà thì các shipper này sẽ hẹn bừa một khoảng thời gian để giao hàng rồi bặt tin. Ai cẩn thận hơn thì hỏi nội dung đơn hàng và địa chỉ gửi sẽ nhận được câu trả lời vòng vo, hoặc các đối tượng viện cớ phần in địa chỉ gửi bị mờ nên không nhìn rõ.
Còn nếu gặp phải “con mồi” chủ quan, nhờ gửi hàng vào một nơi nào đó, lập tức người nhận sẽ bị giục chuyển khoản. Khi chuyển tiền xong, chúng tiếp tục thông báo là gửi nhầm tài khoản đăng ký hội viên công ty và hướng dẫn người nhận bấm vào đường link chúng cung cấp thì mới hủy được giao dịch. Nếu không làm theo, hàng tháng công ty sẽ tự động trừ vài triệu đồng trong tài khoản của khách hàng.
Cũng có trường hợp chia sẻ trên mạng xã hội là đã làm theo hướng dẫn của shiper giả danh thì thấy phải làm qua các bước như nhập mã xác thực, cung cấp mã số OTP... nên khuyến cáo mọi người cảnh giác, không làm theo. Nếu không tỉnh táo sẽ rất dễ bị sa vào “bẫy” lừa đảo của các đối tượng xấu.
Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy điểm chung của các vụ lừa đảo với chiêu thức giả mạo nhân viên giao hàng là các đối tượng phần lớn đều nắm rõ thông tin của khách hàng và các đơn hàng. Nhiều người cho rằng các đối tượng xấu đã thu thập thông tin khách hàng và các sản phẩm được đặt mua từ những bình luận công khai trên mạng xã hội, hoặc chúng có thể hack được tài khoản chuyên bán hàng trên mạng để lấy cắp thông tin khách hàng.
Mục đích của những đối tượng này là lừa chiếm đoạt tiền phí vận chuyển và dẫn dụ nạn nhân kích vào đường link lạ để chiếm quyền điều khiển thiết bị, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Do đó, để tránh bị “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo, mỗi người cần tự nâng cao tinh thần cảnh giác, không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua; không chuyển khoản thanh toán khi chưa trực tiếp kiểm tra đơn hàng, xác minh các thông tin và tuyệt đối không bấm vào bất cứ đường link nào do các đối tượng lạ gửi đến.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin