An cư mới lạc nghiệp. Để người dân có thể ổn định cuộc sống, đất ở, đất sản xuất đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, Thái Nguyên luôn triển khai có hiệu quả chính sách về đất đai để hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng khó. Nhờ đó, đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên. Từ năm 2021 trở lại đây, mỗi năm Thái Nguyên có hơn 2% số hộ người DTTS thoát nghèo.
Quỹ đất ở tại xã Cúc Đường (Võ Nhai) đã không còn để bố trí cho đồng bào DTTS trên địa bàn. |
Đảm bảo an sinh xã hội
Những ngày qua, cơn bão số 3 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân ở bản người Mông Liên Phương, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) khi nhiều tuyến được bị sạt lở, việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn. Dẫu vậy, dự án khu tái định cư tập trung của Liên Phương vẫn đang được đẩy nhanh tiến độ. Ông Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Văn Lăng, chia sẻ: Ở bản này đang có 35 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cần được bố trí về nơi ở, nhà ở. Do đó, chúng tôi rất vui khi Khu tái định cư tập trung được đầu tư xây dựng. Khi hoàn thành, bà con sẽ được chuyển về nơi ở mới, an toàn, có điều kiện sống, sinh hoạt tốt hơn.
Cùng với việc bố trí chỗ ở cho 35 hộ dân ở Liên Phương, Thái Nguyên đang triển khai xây dựng dự án Khu tái định cư tập trung ở Bản Tèn, xã Văn Lăng (đảm bảo chỗ ở cho 30 hộ dân) và dự án tái định cư tập trung xóm Tân Kim, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai (đảm bảo chỗ ở cho 84 hộ dân). Cả 3 dự án đều nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây được xem là một trong những chính sách đất đai vô cùng thiết thực dành cho đồng bào DTTS ở các địa bàn còn nhiều khó khăn, đang sinh sống tại những điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, thực hiện chính sách đất đai cho người DTTS, hằng năm, Thái Nguyên đều có kế hoạch hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân. Giai đoạn 2014-2017, tỉnh đã hỗ trợ đất sản xuất cho 272 hộ dân, kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Thời gian sau này, tỉnh tập trung nhiều vào việc hỗ trợ đất ở cho người dân vùng DTTS còn nhiều khó khăn. Riêng năm 2024, tỉnh có kế hoạch hỗ trợ về đất ở cho 27 hộ dân và giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho hay: Có thể khẳng định, từ việc thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS, Thái Nguyên đã giải quyết được phần nào những khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho người dân miền núi, vùng cao, nơi còn nhiều khó khăn của tỉnh. Đặc biệt là những hộ dân đang phải sống ở các khu vực nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Từ đó, giúp bà con ổn định cuộc sống để tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là kết quả khả quan, khẳng định hiệu quả thiết thực từ chính sách về đất đai dành cho bà con vùng DTTS của tỉnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Cụ thể hóa Luật theo hướng có lợi cho người dân
Nhằm “nâng cấp” hiệu quả của chính sách đất đai dành cho đồng bào DTTS, Luật Đất đai năm 2024 đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Những quy định của Luật được Thái Nguyên cụ thể theo hướng có lợi cho người dân.
Phần lớn diện tích núi đá của Võ Nhai không thể canh tác, phục vụ sản xuất nông nghiệp. |
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 20 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức ngày 6-9 vừa qua, nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh đã được thông qua. Quy định cụ thể một số nội dung hỗ trợ như: Đất sinh hoạt cộng đồng, đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở và nguồn kinh phí, quỹ đất thực hiện chính sách. Nghị quyết đã cụ thể hóa Luật Đất đai năm 2024 phù hợp với thực tế cuộc sống, tạo hành lang pháp lý để các cấp, ngành chức năng thực thi nhiệm vụ được thuận lợi, hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ, nói: Nghị quyết đã quy định đối tượng được hỗ trợ rất rõ. Đó là đồng bào DTTS chưa có đất sinh hoạt cộng đồng; cá nhân là người DTTS không có đất ở hoặc thiếu đất ở so với hạn mức; chưa có hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% so với hạn mức giao đất nông nghiệp… Từ đó, giúp chúng tôi vận dụng trong thực tiễn dễ dàng hơn rất nhiều.
Không những vậy, nghị quyết còn nêu rõ, khu dân cư của đồng bào DTTS chưa có đất sinh hoạt cộng đồng sẽ được UBND cấp huyện bố trí quỹ đất đảm bảo diện tích tối thiểu là 300m2. Rất nhiều địa phương phản hồi nội dung này theo hướng tích cực bởi với quỹ đất hiện có, nhiều địa bàn miền núi, vùng cao có thể bố trí quỹ đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS ở những vị trí phù hợp.
Trường hợp cá nhân không có đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở trong hạn mức giao đất theo quy định của UBND tỉnh và được miễn tiền sử dụng đất. Trường hợp cá nhân đã được giao đất ở theo quy định nhưng nay không còn đất ở hoặc thiếu đất ở so với hạn mức thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Trường hợp cá nhân không có đất nông nghiệp thì được hỗ trợ giao đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của UBND tỉnh không thu tiền sử dụng đất. Trường hợp cá nhân đã được Nhà nước giao đất theo quy định nhưng nay không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của UBND tỉnh thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Đặc biệt, đối với việc hỗ trợ thuế đất phi nông nghiệp không phải đất ở, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được giảm 50% tiền thuê đất.
Ông Cao Thanh Cường, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Từ, chia sẻ: Quy định rõ ràng như thế này giúp ngành chuyên môn cấp huyện, xã không bị “vấp” khi đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống.
Thái Nguyên đang có tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm xấp xỉ 55% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Do đó, chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS được thông qua, đi vào cuộc sống không chỉ cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Nhà nước sát với thực tiễn cơ sở mà còn góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu, cải thiện, nâng cao điều kiện sống cho đồng bào DTTS ở các địa bàn miền núi, vùng cao, còn nhiều khó khăn của tỉnh.
Thái Nguyên hiện có trên 384 nghìn người DTTS, chiếm gần 30% số dân trong tỉnh. Trong số 50 DTTS có người đang sinh sống, làm việc tại tỉnh thì 9 dân tộc có trên 2.000 người là: Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Mường, Thái, Hoa. Những năm qua, người DTTS trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm hỗ trợ về mọi mặt, trong đó có hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất. Qua đó, bảo đảm quyền tiếp cận, sử dụng đất, góp phần phát triển bền vững cộng đồng các DTTS ở Việt Nam nói chung, tại Thái Nguyên nói riêng. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin