Sau những trận mưa lớn kéo dài vừa qua, hàng trăm hộ trên địa bàn huyện Định Hóa đang phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ đất, đá có thể sạt lở xuống nhà bất cứ lúc nào. Trước thực trạng trên, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp trước mắt nhằm hỗ trợ bà con ổn định đời sống.
Gia đình anh Sằm Ngọc Dũng (ở xóm Bản Kết, xã Kim Phượng, Định Hóa) bị đất sạt lở xuống nhà, làm sập gian bếp. |
Mùa mưa bão năm nay, gia đình anh Lâm Văn Nam (ở xóm Bản Kết, xã Kim Phượng) đã 2 lần bị đất sạt lở tràn xuống nhà. Anh Nam nhớ lại: Tháng 8, trời mưa to liên tục khiến quả đồi phía sau nhà tôi sạt xuống gần nóc nhà, may cả gia đình không bị làm sao. Đợt vừa rồi, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn, đất tiếp tục sạt lở vào phòng tắm và phía sau nhà, chúng tôi phải thuê máy xúc để gạt, múc đất. Chúng tôi cảm thấy bất an nhưng chưa biết phải làm thế nào.
Cạnh đó, gia đình chị Ma Thị Oanh cũng vừa bị đất sạt lở xuống làm hỏng căn bếp và công trình phụ. Chị Oanh lo lắng nói: Mấy ngày mưa bão chúng tôi không dám ngủ, cứ tối là ra ngoài đường đứng để nghe ngóng tình hình thiên tai. Chúng tôi rất mong Nhà nước tạo điều kiện cho bà con di chuyển đến chỗ ở mới an toàn hơn.
Để đảm bảo an toàn cho người dân có nhà bị sạt lở, xã Kim Phượng đã thực hiện di dời 11 hộ, với 38 nhân khẩu ở các xóm: Cạm Phước, Bản Ngói, Bản Cải và Bản Mới. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn xã vẫn còn 91 hộ dân bị đất đá sạt lở taluy dương ở phía sau nhà, với khối lượng hơn 9.700m3, cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo ông Trương Anh Tú, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng: Khi thiên tai xảy ra, địa phương đã huy động sức dân với phương châm “4 tại chỗ” để khắc phục hậu quả; hỗ trợ di dời các hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời tiếp nhận lương thực, nhu yếu phẩm từ các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để hỗ trợ các hộ phải di dời và những hộ dân gặp khó khăn về lương thực, nhu yếu phẩm. Địa phương cũng đặc biệt quan tâm ưu tiên hỗ trợ gạo, thuốc chữa bệnh cho các gia đình bị thiệt hại hoàn toàn về nhà ở, hộ phải di dời.
Không chỉ riêng xã Kim Phượng mà tại một số địa phương khác trên địa bàn huyện Định Hóa, hàng trăm hộ dân cũng đang thường trực nỗi lo tình trạng đất, đá sạt lở vào nhà. Thực tế, đa số các hộ, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trên địa bàn huyện miền núi Định Hóa sinh sống và làm nhà ở ven sườn đồi, sườn núi. Vì vậy, khi có mưa to kéo dài, nhiều hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, trên địa bàn huyện đã có 1 nhà bị sập (ở xã Lam Vỹ) đè chết 1 người. Tổng số nhà bị thiệt hại trên địa bàn huyện là 108 nhà, trong đó có 5 nhà bị sập hoàn toàn, 103 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Ngoài ra còn hàng trăm hộ đối diện nguy cơ mất an toàn do đất, đá sạt lở.
Nhiều hộ trên địa bàn huyện Định Hóa bạt núi, đồi làm nhà nên khi có mưa lớn kéo dài rất dễ xảy ra nguy cơ sạt lở đất. |
Trước thực trạng trên, huyện Định Hóa đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 20 tỷ đồng để khắc phục trước mắt những hậu quả của cơn bão số 3. Trong đó đề nghị hỗ trợ nhà ở 1,7 tỷ đồng. Đối với 5 nhà sập đổ hoàn toàn, mức hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà. Nhà bị hư hỏng nặng (54 nhà), mức hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà. Nhà ở phải di dời khẩn cấp (14 nhà), mức hỗ trợ 30 triệu đồng/nhà. Cùng với đó, huyện cũng đề nghị hỗ trợ gạo khẩn cấp trị giá 352 triệu đồng (cho 432 nhân khẩu, trong 3 tháng).
Theo đại diện lãnh đạo huyện Định Hóa, đến nay, nguồn dự phòng của tỉnh cấp cho huyện đã sử dụng hết (dự phòng ngân sách cấp cho huyện đầu năm 2024 là 10,293 tỷ đồng, đến hết tháng 8-2024, địa phương đã sử dụng hết dự phòng ngân sách cho các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh và thực hiện khắc phục thiệt hại do thiên tai). Vì vậy, UBND huyện đề xuất tỉnh quan tâm cân đối hỗ trợ 40 tỷ đồng để địa phương khắc phục các công trình hạ tầng giao thông và công trình kết cấu hạ tầng cấp thiết, đảm bảo phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân (trong đó không bao gồm các nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại về nhà ở và sản xuất nông nghiệp).
Hiện nay, nhiều hộ trên địa bàn huyện Định Hóa có nhà bị đất, đá sạt lở, mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, tìm quỹ đất để bà con di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ do diễn biến thời tiết bất thường và khó lường, mà việc người dân trên địa bàn huyện tự ý bạt đồi, núi làm nhà ở cũng là nguyên nhân dẫn tới nguy cơ sạt lở.
Để hạn chế các sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và có các giải pháp quyết liệt để hạn chế những nguy cơ sạt, trượt đất, đá. Trước mắt, các hộ dân nằm trong vùng bị nguy hiểm cần thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, nếu thấy có nguy cơ cao bị sạt lở thì phải chủ động tiến hành sơ tán để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin