Chiều 11/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng diễn ra Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO (GGN), với sự tham gia của gần 500 đại biểu trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện diễn ra bên lề Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN) tại Cao Bằng.
Về phía đại biểu Trung ương có ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. Đại biểu Tổ chức UNESCO và Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO có các ông, bà: Lidia Brito, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên; Nikolas Zouros, Chủ tịch Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO; Jin XiaoChi, Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Guy Martini, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO, Tổng Thư ký Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO
Về phía đại biểu tỉnh Cao Bằng có các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị.
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. |
Lễ kỷ niệm đánh dấu mốc 20 năm truyền thống quá trình xây dựng và phát triển Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản địa chất, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể, các hoạt động bảo vệ môi trường, vì sự phát triển của cộng đồng và phát triển bền vững; nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các thành viên Mạng lưới trong việc thực hiện các mục tiêu chung của CVĐC toàn cầu UNESCO.
Phát biểu khai mạc, ông Nickolas Zouros, Chủ tịch Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO cảm ơn những nỗ lực của Chính phủ, nhân dân Việt Nam và tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là các đồng nghiệp tại CVĐC Non nước Cao Bằng đã rất nỗ lực để tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội nghị APGN lần thứ 8. Ông nhấn mạnh: Trong thời khắc đầy thách thức quyền năng của thiên nhiên khi đến Việt Nam. Chia sẻ những khó khăn, mất mát về người và tài sản của nhân dân các địa phương đã chịu tổn thương, thiệt hại khi siêu bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam.
Khẳng định vai trò quan trọng của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO đã góp phần quan trọng giúp đỡ cộng đồng các địa phương thành viên của mạng lưới đối mặt với những thách thức từ biến đổi khí hậu và hệ lụy của thiên tai. Cho rằng vấn đề bảo vệ cộng đồng giúp cho họ đối mặt với hệ quả của thiên tai và biến đổi khí hậu đó là những ưu tiên quan trọng mà Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO hướng đến trong 20 năm qua. Hy vọng rằng, tất cả các nước tiếp tục cùng nhau bảo vệ và phát huy những giá trị CVĐC toàn cầu trên toàn thế giới. Chúc cho Mạng lưới CVĐC toàn cầu ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển nhân loại.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh và Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh chúc mừng Lễ kỷ niệm. |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh, Trưởng ban Tổ chức hội nghị bày tỏ sự vinh dự của tỉnh khi được lựa chọn là địa điểm tổ chức sự kiện ý nghĩa này. Đây là cột mốc quan trọng đối với Mạng CVĐC toàn cầu (GGN), đánh dấu 20 năm thành lập Mạng lưới hợp tác giữa các CVĐC trên toàn thế giới, nhằm thúc đẩy 3 mục tiêu chính là bảo tồn di sản địa chất và hành tinh Trái đất, giáo dục cộng đồng về khoa học Trái đất và thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.
Cao Bằng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và được ví như “viên ngọc xanh” của vùng Đông Bắc Việt Nam - nơi hội tụ những giá trị tự nhiên và văn hóa hấp dẫn để phát triển du lịch. Năm 2015, khi Cao Bằng được tiếp cận mô hình CVĐC toàn cầu với sự hỗ trợ rất lớn của Viện Khoa học, Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, chuyên gia UNESCO và được công nhận là thành viên chính thức của Mạng lưới CVĐC toàn cầu vào tháng 4/2018, thông qua việc xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO, du lịch Cao Bằng tăng trưởng khá nhanh; công tác bảo tồn tài nguyên du lịch được chú trọng; nhiều hoạt động hỗ trợ, cải thiện sinh kế cho người dân được triển khai; người dân tích cực tham gia và chung tay cùng chính quyền bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh thông tin thêm: Từ năm 2020 đến hết tháng 8/2024, tổng lượt khách du lịch của tỉnh đạt trên 5,4 triệu lượt, đạt 108% kế hoạch; tổng doanh thu đạt trên 3.100 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, vượt so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025. Qua đó cho thấy, việc xây dựng và phát triển danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO tại Cao Bằng là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mang lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương. Khẳng định trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng hơn nữa việc phát huy giá trị của CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng.
Thay mặt cho lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chúc Mạng lưới CVĐC toàn cầu ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển nhân loại; chúc tất cả thành viên của Mạng lưới có khoảng thời gian tươi đẹp và thật nhiều kỷ niệm khó quên tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APGN) tổ chức tại CVĐC Non nước Cao Bằng.
Tại Lễ kỷ niệm đại diện UNESCO, Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và các đại biểu cùng ôn lại những kỷ niệm, hoạt động và chia sẻ thành tựu trong những năm qua. Nhận định Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO đã vượt qua nhiều trở ngại, thách thức để phát triển mạnh mẽ với 213 CVĐC toàn cầu ở 48 quốc gia trên toàn thế giới như hiện nay. Các đại biểu đều đánh giá rất cao công tác tổ chức Lễ kỷ niệm nói riêng và Hội nghị APNG lần thứ 8 của Cao Bằng mặc dù đang trong thời điểm tỉnh phải đối mặt với những thiệt hại và khó khăn ứng phó và khắc phục hậu quả nặng nề từ bão lũ. Chia vui về những thành quả đạt được của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, đề cao vai trò dẫn dắt của mạng lưới; đồng thời, tiếp tục khẳng định quyết tâm, nỗ lực không ngừng của các CVĐC toàn cầu trong mạng lưới và các quốc gia có CVĐC toàn cầu cùng tham gia vào hoàn thiện công tác xây dựng, vận hành và phát huy vai trò CVĐC toàn cầu, nỗ lực chung để bảo vệ “Mẹ Trái đất”, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.
Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO trao chứng nhận, tôn vinh những cá nhân có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. |
Tại lễ kỷ niệm, đại diện tổ chức UNESCO trao bằng công nhận cho 5 đại diện của các di sản địa chất thế giới, gồm: Heisei Shinzan Lava Dome của Nhật Bản; Getbol Tidal Flats của Hàn Quốc; Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà của Việt Nam; Dashanpu Middle Jurassic Dinosaur Fossils Site của Trung Quốc; Salt domes and glaciers of the Zagros Fold and Thrust Belt của Iran.
Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO trao chứng nhận, tôn vinh những thành viên Hội đồng Mạng lưới CVĐC và thành viên từ các CVĐC có đóng góp quan trọng trong đặt nền móng và quá trình phát triển của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.
Đại diện tổ chức UNESCO trao bằng công nhận cho 5 đại diện của các di sản địa chất thế giới. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin