Chị Nguyễn Thị Sáu, Phó chủ tịch HĐND xã Mỹ Yên (Đại Từ), thông tin: Ngày 14 tháng 9, các chị xuống dự Đại hội nhiệm kỳ của Chi bộ xóm La Giai. Tôi hiểu: Như thế là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng đã bắt đầu từ cơ sở và Chi bộ này tổ chức đại hội điểm. Còn cái tên xóm La Giai lại gợi nhớ trong tôi ký ức một thời… Nguyễn Văn Anh, người xóm này lại là người giúp tôi tìm lại những lát cắt của ký ức La Giai…
Nông dân xã Mỹ Yên giúp nhau làm chè an toàn, từng bước tạo dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. |
Đó là ngày 28/12/1964, mấy chục gia đình buôn bán nhỏ chúng tôi rời thị trấn Đồng Văn, một dẫy phố ven Quốc lộ 1 khá sầm uất của thị xã Duy Tiên (Hà Nam), lên núi rừng Mỹ Yên - Đại Từ khai hoang. Tránh máy bay Mỹ, mấy chiếc ô tô chở người và đồ đạc cứ chạy cầm chừng. Khoảng 8 giờ tối thì xe dừng lại một xóm nhỏ, có con suối róc rách bên đường. Bà con La Giai già có, trẻ có tay cầm đuốc nứa ra đón đồng bào miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới rất đông…
60 năm rồi nhưng tâm trạng buồn, lo, xao xuyến trong tôi bây giờ còn rất rõ. Thế rồi đồ đạc, giường tủ, xoong nồi lích kích của một cuộc di dân nhanh chóng được các sơn tràng vạm vỡ chuyển về các gia đình mà chúng tôi ở nhờ… Lần đầu tiên thấy suối nơi thâm sơn cùng cốc, mấy nữ tú, nam thanh, trong đó có ca sĩ Khánh Tường, cứ ngồi lên các tảng đá bên dòng suối Chì mà hát. Hát rằng: “Chiều nay ra đứng bên bờ suối vắng/Lặng nghe con chim nó kêu gọi bầy… Rừng xanh năm tháng đợi chờ bóng dáng/Người đi năm xưa đến nay, trở về…” (Dấu chân trên rừng - Nhạc sĩ Vĩnh An).
Gia đình tôi được nhường một gian trái trong ngôi nhà gỗ ba gian hai trái nhà cụ Khang. Liền kề là nhà cụ Được. Nhìn sang bên kia con suối Chì là gia đình ông giáo Đặng Văn Thực, sau này tôi mới biết ông giáo Thực là con cả cụ Đặng Văn Ẩm, người có công lập An dưỡng đường 2 nuôi dưỡng thương binh hồi chống Pháp và là anh trai nhạc sĩ Đặng An Nguyên, Trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam sau này… Gia đình ông Lê Văn Lai thì bên nhà bà Bá Huỳnh…
Phải nói La Giai là một xóm nhỏ, thanh bình và rất đẹp. Khoảng dăm chục gia đình ở men dải đồi thấp, nhìn ra cánh đồng hẹp và dòng suối Chì có thượng nguồn từ đỉnh Quạt Nan trên dãy Tam Đảo, chảy qua bản Dao Na Hang, dòng xoáy của nước tạo ra vực Đẩu, vực Huyệt, nước sâu, xanh thăm thẳm, có chỗ cho lũ trẻ nô đùa…
Người dân La Giai và cả xã Mỹ Yên này hồi ấy còn nghèo lắm. Cuộc sống tự sản tự tiêu, cháo bẹ rau măng, chưa có sản xuất hàng hóa. Chúng tôi thực hiện chủ trương lên phát triển cây chè hàng hóa cũng chưa có sản phẩm. Cuộc sống được bà con La Giai “bát cơm sẻ nửa”, ân tình không thể kể hết. Mà chẳng riêng đồng bào khai hoang chúng tôi, các đơn vị quân đội như: Trường xe, xăng quân đội sơ tán về cũng được người dân đùm bọc.
Rồi cái xóm nhỏ La Giai hăng hái tiễn những trai tráng đi chiến trường miền Nam đánh Mỹ: Anh Bế Văn Khỏe, con trai nhà bà Bá Huỳnh; anh Nguyễn Văn Dũng, con trai ông Nguyễn Văn Nhã; anh Nguyễn Văn Được, con trai ông Nguyễn Văn Lạc; anh Nguyễn Văn Kỷ, con trai ông Nguyễn Văn Mỹ… và họ đều hy sinh anh dũng nơi chiến trường cho độc lập dân tộc…
Từ chỗ độc canh cây lúa, phát triển theo phong trào trồng cây công nghiệp, chỉ với 130 hộ, 534 người, bấy giờ La Giai sở hữu 10 héc - ta chè kinh doanh, góp phần để Thái Nguyên là tỉnh có diện tích, sản lượng chè lớn nhất cả nước. Cây chè - cây làm giàu đích thực của Thái Nguyên.
Tôi xin trở về với điểm nhấn của Đại hội Chi bộ xóm La Giai mới đây, nhưng chủ yếu về đường hướng làm ăn cho vài năm tới… Khi nghiên cứu Báo cáo chính trị của Đại hội Chi bộ La Giai do Bí thư Chi bộ Đỗ Thị Liên báo cáo, chúng tôi thấy nổi lên những nội dung căn bản thường có ở một cơ sở đảng, hoạt động tích cực và hiệu quả. Ở đây có sự đoàn kết, thống nhất trong Chi bộ, Mặt trận xóm và sự đồng thuận trong nhân dân. Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực thi đua phát triển kinh tế hộ, từ đó góp phần vào phát triển kinh tế.
Chi bộ có thêm đảng viên trẻ, năng động, nhiệt tình. Các đảng viên trong Chi bộ phát huy vai trò, trách nhiệm trong công việc. Ban chi ủy, Chi bộ có sự đoàn kết thống nhất cao. Nhưng nói gì thì người dân của xóm chủ yếu vẫn làm nông nghiệp, số đảng viên ít, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao… Đó là hạn chế và trách nhiệm của cơ sở đảng trong mỗi kỳ đại hội là phân tích và tìm hướng đi mới.
Về cái ăn: Diện tích cây lúa gieo cấy hàng năm là 21,5ha, sản lượng khoảng 240 tấn/năm, bình quân đầu người trên 400kg, tạm đủ. Cây chè, diện tích chè kinh doanh là 10 héc - ta, sản lượng chè búp tươi đạt 80 tấn/năm, quy khô khoảng 16 tấn, giá trị khoảng 3,2 tỷ đồng. Rõ ràng, cây chè vẫn là cây mũi nhọn để phát triển kinh tế, nguồn sống của người dân La Giai.
Tôi đem những suy nghĩ, trăn trở của mình trao đổi về việc làm sao nâng giá trị của chè và được Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mỹ Yên Chu Thị Nhì đồng tình. Rằng: Một trong những định hướng quan trọng tới đây của La Giai là tìm biện pháp nâng cao giá trị chè. Với 10 héc-ta chè kinh doanh, 80 tấn búp tươi, cho tới giờ người dân chỉ bán tươi, sao sấy thủ công, thu nhập bình quân chỉ đạt chừng 6.000.000đ/năm, rất thua thiệt. Cần phải có cơ sở sản xuất, chế biến, có thương hiệu, có sản phẩm vietGAP để vươn xa. Từng bước cải tạo, thay thế giống chè mới và theo hướng hữu cơ. Lương thực khá dồi dào (450kg/người/năm), tập trung cho cây chè, La Giai chắc chắn sẽ giầu.
Rằng: Chi bộ La Giai cần phải tăng cường. Hiện đảng viên chỉ có 13 người, tuổi bình quân tới 45. Chi bộ mạnh, thực sự giữ vai trò lãnh đạo cần phải được bổ sung. vv… Xóm La Giai không có trang trại chăn nuôi lớn. Lao động trong độ tuổi là 260 người, trong đó số có việc làm thường xuyên là 200 người, lao động là công nhân tại các khu công nghiệp là 100 người. Lao động của xóm ly nông không ly hương.
Do có tỉnh lộ 263B và đường trục xã chạy qua nên việc phát triển thương mại, dịch vụ thuận lợi. Xóm có 30 hộ kinh doanh nhỏ phân bố ở các ngành nghề như kinh doanh tạp hóa, vật liệu xây dựng, cung ứng vật tư nông nghiệp, các shop thời trang..v.v. Các dịch vụ cũng phát triển đa dạng như vận tải, ăn uống, máy gặt lúa, làm đẹp... Giá trị tiểu thủ công nghiệp ước đạt 5 tỷ đồng/năm.
Số lao động dịch chuyển từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ ngày càng tăng, góp phần giải quyết được việc dôi dư lao động của xóm, từ đó tận dụng được các nguồn lao động trong thời gian ngoài mùa vụ. Mấy năm qua, La Giai xây được Nhà văn hóa rộng 2.560m2, kinh phí huy động ngót tỷ đồng; Mở rộng gần cây số đường xóm đạt 6m; 1.100m đường nội đồng; 127m đường bê tông; Xây dựng 4km tuyến đường thắp sáng làng quê; lắp đặt bộ dụng cụ thể dục - thể thao ngoài trời…
Về La Giai bây giờ khác xưa nhiều lắm. Diện mạo thay đổi khá toàn diện, dân trí, đời sống văn hóa, tinh thần đều cao... Những đòi hỏi của sự phát triển một làng quê ở thời kỳ mới đã được đưa vào nghị quyết của Chi bộ để lãnh đạo toàn dân thực hiện với tinh thần và sinh khí mới.
Nhạc sĩ người quê nơi này Đặng An Nguyên từng viết: “Để ta khát cháy lòng nơi đầu suối. Giữa tươi xanh muốn hát mãi đời mình...”. Tôi hiểu khát cháy lòng ở đây là khát khao quê hương ngày thêm giàu đẹp, hạnh phúc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin