Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), khai thác mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến đã trở thành công cụ hữu hiệu được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Thái Nguyên triển khai hiệu quả trong thực hiện công tác hội và phong trào phụ nữ… Qua đó tập hợp, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia.
Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Việt Đức, phường Phố Cò (TP. Sông Công) là một trong những cơ sở đi đầu trong sử dụng nền tảng xã hội để tham gia hoạt động Hội. |
Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin
Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XII, nhiệm kỳ 2021-2026, xác định rõ, ứng dụng CNTT là một trong những khâu đột phá để thực hiện nhiệm vụ. Chỉ tiêu cụ thể là: Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ hội chuyên trách sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác; 100% chi hội trưởng được tập huấn và thành thạo nghiệp vụ công tác hội.
Để thực hiện chỉ tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động. Hằng năm, các cấp hội xây dựng chỉ tiêu cụ thể trong giao ước thi đua với nội dung: 100% hội các cấp thành lập và sử dụng hiệu quả trang fanpage; phần mềm quản lý văn bản điều hành ioffice; phần mềm quản lý cán bộ, hội viên; phần mềm tổng hợp, báo cáo thống kê, tài chính kế toán; phần mềm quản lý thành viên vay vốn và quản lý tín dụng; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trang thông tin điện tử, fanpage, zalo...
Để hướng dẫn và hỗ trợ phụ nữ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, các cấp Hội LHPN đã phối hợp tổ chức trên 1.000 hội nghị tập huấn, tuyên truyền về ứng dụng công nghệ số trong hoạt động hội; nâng cao năng lực ứng dụng CNTT; hỗ trợ phụ nữ tham gia thương mại điện tử, liên kết sản xuất, kinh doanh… cho trên 18.000 lượt cán bộ, hội viên.
Chị Dương Thanh Luyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Từ, cho biết: Một trong những ứng dụng CNTT hiệu quả là triển khai phần mềm quản lý cán bộ, hội viên. Trước đây, do chủ yếu làm thủ công bằng sổ sách nên việc cập nhật thông tin hội viên thường mất nhiều thời gian và tính chính xác chưa cao. Sau khi Hội LHPN tỉnh tổ chức hướng dẫn, chúng tôi đã sử dụng thành thạo phần mềm; các dữ liệu được cập nhật đầy đủ, giúp việc quản lý hội viên chính xác, khoa học…
Dễ dàng lan tỏa các hoạt động
Với việc nâng cao năng lực ứng dụng CNTT, các hội viên, phụ nữ đã tích cực bắt nhịp công nghệ số trong đời sống và hoạt động hội. Hiện nay, trang thông tin điện tử của Hội LHPN tỉnh thu hút trên 100 nghìn lượt truy cập; fanpage "Phụ nữ Thái Nguyên" thu hút hơn 2.200 lượt thích, trên 6.000 người theo dõi, trung bình mỗi tháng có trên 18.000 người tiếp cận. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn thành lập nhóm zalo cơ quan chuyên trách cấp tỉnh, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh, chủ tịch hội LHPN cấp huyện và hội LHPN các cấp… Các huyện, thành phố lập 9 trang facebook, 9 nhóm zalo cấp huyện; 177 trang facebook, 177 nhóm zalo cấp xã.
Hội viên phụ nữ xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) chung tay thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn. |
Thông qua facebook, nhóm zalo, các cấp hội chủ động tuyên truyền hoạt động; thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin về các mô hình hay, cách làm hiệu quả của hội viên… Việc thành lập các nhóm zalo đã tạo sự kết nối, tương tác giữa các cấp hội, tổ chức hội với hội viên. Từ đó, giúp hội viên dễ dàng tiếp cận thông tin hữu ích, các phong trào chung có sức lan tỏa hơn đến toàn thể hội viên…
Đơn cử như ở Chi hội phụ nữ tổ dân phố Việt Đức, phường Phố Cò (TP. Sông Công). 82 hội viên tại đây đã tích cực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, góp phần đưa chi hội vững mạnh toàn diện trên các mặt công tác. Chị Lê Thị Hoa, Chi hội trưởng phụ nữ tổ dân phố Việt Đức, cho biết: Chi hội thực hiện tốt nhiệm vụ của hội và đẩy mạnh chuyển đổi số tới chị em. Mới đây nhất, chúng tôi vận động 100% phụ nữ tham gia tích hợp các giấy tờ cá nhân như bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; cài đặt, sử dụng các ứng dụng, tiện ích số hoá do tỉnh triển khai. Đặc biệt, rất nhiều chị em hội viên đã bước đầu tiếp cận với các dịch vụ công trực tuyến của địa phương để giải quyết các việc liên quan đến cá nhân như: Đổi bằng lái xe, xin cấp giấy khai sinh…
Chị Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Nếu như trước đây, cán bộ hội phải về tận cơ sở để tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương, chính sách mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào thi đua, hoạt động thì nay với chiếc điện thoại có kết nối Internet, chị em có nắm bắt thông tin kịp thời và hưởng ứng thực hiện. Ứng dụng CNTT, khai thác các nền tảng trực tuyến trở thành công cụ hữu hiệu, đa dạng kênh tập hợp phụ nữ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền các hoạt động của hội và vấn đề xã hội quan tâm.
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tiếp tục bồi dưỡng về CNTT, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, giúp cán bộ, hội viên có kỹ năng quản lý, sử dụng hiệu quả mạng xã hội. Đồng thời, nhân rộng những cá nhân, tập thể điển hình trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT. Qua đó, góp phần thực hiện thành công khâu đột phá ứng dụng CNTT để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nghị quyết của đại hội phụ nữ các cấp.
Đến nay, Hội LHPN thực hiện đạt chỉ tiêu về ứng dụng CNTT theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2021-2026 đề ra: Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản; 100% cán bộ cấp tỉnh, huyện và chủ tịch hội cơ sở đạt chuẩn theo quy định. Kết quả cụ thể: 234/234 cán bộ chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo phần mềm cơ bản trong công tác hội; 12.945 lượt cán bộ hội tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; 100% cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện và chủ tịch hội LHPN cấp cơ sở đạt chuẩn chức danh theo quy định. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin