Thời gian qua, để thực hiện tách thửa đất ở, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã thỏa thuận mở lối đi chung trong cùng thửa đất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Điều này góp phần bảo đảm nguyên tắc thửa đất sau khi tách có lối đi và hạn chế phát sinh các tranh chấp đất đai.
Giải quyết thủ tục đất đai tại Bộ phận Một cửa của TP. Phổ Yên. |
Ông T.V.X đang sử dụng thửa đất 1.040m2 (trong đó có 250m2 đất ở đô thị và 970m2 đất trồng cây lâu năm) tại phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên. Vừa qua, ông muốn tặng cho anh trai một phần thửa này để làm nhà ở. Tuy nhiên, do lô đất nằm trong ngõ với chiều bám mặt đường giao thông chỉ rộng 4,5m nên không đủ điều kiện tách thửa đất ở như thông thường.
Qua hướng dẫn của chính quyền địa phương và phòng, ban chuyên môn của TP. Thái Nguyên, gia đình ông X. đã thỏa thuận mở lối đi chung hơn 60m2 trong cùng thửa đất để đáp ứng điều kiện tách thửa. Ông chia sẻ: Gia đình tôi đã làm văn bản thỏa thuận mở lối đi chung tại văn phòng công chứng và nộp kèm hồ sơ tách thửa tại Bộ phận Một cửa của TP. Thái Nguyên theo quy định. Đến nay, tôi đã tách được một phần đất cho anh trai.
Tương tự, bà Đ.T.T.T và các anh, chị em ruột của mình ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) là những người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật đối với thửa đất do bố mẹ đẻ để lại. Thửa đất có diện tích hơn 600m2, loại đất ở đô thị và trồng cây lâu năm nhưng hiện trạng chỉ có duy nhất một lối đi rộng 3,5m. Theo đó, các anh chị em của bà T. đã phải thỏa thuận mở lối đi chung hơn 70m2 để tách thửa và phục vụ việc thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy việc thỏa thuận mở lối đi chung để tách thửa của các hộ dân xuất phát chủ yếu từ nhu cầu bố mẹ tặng cho đất các con sau khi đã lập gia đình hoặc anh chị em tách thửa để phục vụ phân chia tài sản thừa kế là đất.... Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý nên không phải thửa đất nào cũng có sẵn chiều bám đường giao thông rộng để tách thửa, nên nhiều hộ phải mở đường đi (hiến đất hoặc thảo thuận lối đi chung...).
Về thủ tục hành chính, người dân sẽ liên hệ và làm việc tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất để làm thủ tục đo tách thửa; sau khi có kết quả dự kiến đo tách thửa, công dân lập văn bản thỏa thuận mở lối đi chung có công chứng, chứng thực theo quy định để hoàn thiện hồ sơ và nộp lại tại cơ quan đăng ký đất đai cấp huyện.
Về cơ sở pháp lý, mặc dù điều kiện tách đất ở phải có lối đi chưa được quy định cụ thể tại Luật Đất đai 2013 nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định tại Khoản 3, Điều 254: “Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại Khoản 2 Điều này mà không có đền bù”. Vì thế, việc tách thửa của người dân không phát sinh vướng mắc, khó khăn.
Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể vấn đề này tại Điểm d, Khoản 1, Điều 220: “Việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp nước, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý. Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất hoặc hợp thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó”. Điều này góp phần tạo sự đồng bộ và thống nhất cao trong hệ thống pháp luật.
Để quy định của pháp luật đi vào cuộc sống hiệu quả, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về thỏa thuận mở lối đi chung trong tách thửa đến đông đảo người dân; cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn về đất đai; thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định này...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin