Đổi rác lấy… cây xanh

H.T 08:19, 06/10/2024

Chuyển đổi xanh đang là xu hướng và mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới. Đây là một trong những giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của con người đối với môi trường. Hưởng ứng xu hướng này, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả. Mô hình đổi rác lấy cây xanh thực hiện ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh thời gian qua là minh chứng điển hình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sách báo, giấy vụn, vỏ lon nước ngọt, chai lọ nhựa, pin đã qua sử dụng… được quy đổi ra cây xanh - là chuỗi các hoạt động do Đoàn Thanh niên các cấp phối hợp với các trường học trong tỉnh tổ chức thực hiện nhằm lan tỏa lối sống xanh, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho học sinh, nhất là về phân loại rác thải.

Tại Ngày hội đổi rác tái chế lấy cây xanh tổ chức ở Trường Tiểu học Nha Trang (TP. Thái Nguyên) năm 2023, các em học sinh đã thu gom được trên 600kg rác thải tái chế để đổi lấy nhiều loại cây xanh. Hoạt động tương tự cũng được Huyện đoàn, Hội đồng Đội Phú Lương tổ chức tại Trường Tiểu học Tức Tranh. Gần 5.500 vỏ lon, rác tái chế đã được thu gom để đổi thành cây xanh trang trí tại khuôn viên lớp học. Em Phạm Quang Dũng, học sinh Trường THCS Tức Tranh nói: Các bạn ai cũng tham gia nhiệt tình. Sau Ngày hội, em đã hình thành thói quen thu gom rác mỗi ngày ở nhà và lớp học để làm sạch môi trường.

Tại Phú Lương, mô hình “Đổi rác lấy cây xanh” cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai từ đầu năm 2024 và hiện đã lan tỏa rộng ra 100% cơ sở hội trên địa bàn. Hằng quý, các hội viên tập hợp rác thải tái chế (chai, lọ nhựa, giấy bìa…) tại nhà văn hóa xóm, tổ dân phố để đổi lấy cây xanh, sau đó trồng tại gia đình hoặc nơi công cộng. Qua đó góp phần xử lý rác thải tại nguồn, bảo vệ môi trường tại khu dân cư.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm nước ta sử dụng hơn 30 tỷ túi ni lông, trung bình một hộ sử dụng 5-7 túi ni lông/ngày; đa phần sử dụng duy nhất một lần rồi thải ra ngoài môi trường. Ngoài ra, các loại rác thải sinh hoạt khác như chai lọ bằng thủy tinh, giấy, bao bì nhựa mềm… hoàn toàn có thể tái chế nếu được thu gom và phân loại từ đầu.

Mô hình đổi rác lấy cây xanh được các địa phương, đơn vị tổ chức là hoạt động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Mang đến là rác nhưng cái người tham gia mang về không đơn thuần chỉ là cây xanh hay những phần quà, mà quan trọng hơn hết là nhận thức về việc phân loại rác thải tại chính nơi mình sinh sống và ý thức để bảo vệ.

Hoạt động này cũng góp phần tuyên truyền mọi người dân, nhất là đối với đoàn viên, thanh niên và học sinh về việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa và tích cực trồng cây xanh để giữ cho môi trường xanh - sạch - đẹp.



mua máy ép giấy plastic giá tốt, chất lượng