Hỗ trợ, đồng hành phụ nữ khởi nghiệp

Thu Hà (Thực hiện) 23:08, 20/10/2024

Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã có nhiều hoạt động khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp. Toàn tỉnh đã có hàng trăm mô hình khởi nghiệp thành công của phụ nữ được ghi nhận. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn bà Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về nội dung này.

Sản phẩm thịt bò khô và xúc xích của Hợp tác xã Bò khô Hmông do hội viên phụ nữ xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) làm chủ, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Sản phẩm thịt bò khô và xúc xích của Hợp tác xã Bò khô H'mông do hội viên phụ nữ xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) làm chủ, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

P.V: Để khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã thực hiện những giải pháp, hoạt động gì, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thu Thủy: Hội LHPN tỉnh hiện có 306 nghìn hội viên, trong đó trên 86% hội viên ở khu vực nông thôn. Thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025 theo Quyết định số 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 939), Hội LHPN tỉnh đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án trên địa bàn. Qua đó, tạo điều kiện cho chị em khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống.

Hằng năm, Hội đã phát động “Ngày phụ nữ khởi nghiệp" và vận động hội viên tích cực tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ. Các cấp hội cũng quan tâm xây dựng mô hình chuỗi sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, vận động hội viên ký cam kết sản xuất sạch…

Cùng với việc hỗ trợ các tác giả có ý tưởng khởi nghiệp tham gia Cuộc thi, Hội LHPN tỉnh cũng có những giải pháp hỗ trợ để những ý tưởng, dự án của hội viên được áp dụng thành công. Một số giải pháp chúng tôi đã thực hiện như: Vận động các đơn vị tài trợ nguồn lực mua sắm trang thiết bị máy móc hỗ trợ cho các hợp tác xã; hỗ trợ vốn vay cho dự án tham gia cuộc thi khởi nghiệp; phối hợp mở các lớp tập huấn; hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống cửa hàng của hội và các kênh phân phối phù hợp nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm …

Cùng với đó, Hội chú trọng hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ - thông tin; giúp đỡ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoàn thiện thủ tục pháp lý, hướng dẫn đăng ký nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ tạo ra sản phẩm OCOP…

P.V: Các hoạt động hỗ trợ đó đã đem lại kết quả như thế nào thưa bà?

Bà Phạm Thị Thu Thủy: Sau 7 năm triển khai thực hiện, Hội LHPN tỉnh đã nhận được gần 300 dự án khởi nghiệp của hội viên đăng ký tham gia Cuộc thi. Trong đó đã có 60 dự án đoạt giải tại Cuộc thi cấp tỉnh; 20 ý tưởng được tham gia Cuộc thi cấp Trung ương, trong đó có 10 ý tưởng được trao giải cấp toàn quốc. Một số Dự án đã áp dụng hiệu quả trong thực tế có thể kể đến như: Đổi mới kỹ thuật trồng và chế biến trà xanh ướp hoa mộc; Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gạo bao thai VietGAP trên địa bàn Định Hóa; Phát triển sinh kế bền vững thông qua xây dựng mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ đậu, đỗ an toàn…

Đặc biệt, năm 2024, 3 dự án của hội viên được Hội LHPN tỉnh lựa chọn tham dự cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” đều đoạt các giải Nhì và Ba toàn quốc, gồm: Ứng dụng giải pháp công nghệ phục vụ cho tận thu phế phụ phẩm nông, lâm nghiệp theo hướng năng lượng xanh, cao cấp từ lá dứa; Sản xuất trà ủ lạnh từ vùng nguyên liệu chè Tân Cương; Ứng dụng khoa học phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp dược liệu tuần hoàn theo hướng hữu cơ tạo năng lượng xanh.

Cùng với đó, Hội LHPN các cấp cũng đã hỗ trợ 34 hợp tác xã, 117 tổ hợp tác; 45 tổ liên kết sản xuất, 66 nhóm sở thích phát triển kinh tế, 20 cửa hàng giới thiệu sản phẩm an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 23% tổng số doanh nghiệp do nữ giới làm chủ. Đa số hội viên phụ nữ sử dụng các thiết bị di động thông minh, tham gia các nhóm Zalo, Facebook và các sàn thương mại điện tử để tham gia phát triển kinh tế, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hội LHPN cũng đang là đoàn thể dẫn đầu trong hoạt động ủy thác vay vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổng các nguồn vốn do Hội quản lý đạt trên 3,5 nghìn tỷ đồng, với trên 60.400 lượt hội viên vay phát triển kinh tế, khởi nghiệp.

P.V: Xin bà cho biết định hướng thời gian tới của Hội LHPN để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp?

Bà Phạm Thị Thu Thủy: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung vận động hội viên phụ nữ thay đổi quy trình sản xuất theo hướng thân thiện môi trường và bảo vệ sức khỏe con người gọi tắt là khởi nghiệp xanh. Chúng tôi mong muốn nhân rộng khởi nghiệp xanh nhằm tạo cơ hội phụ nữ có thêm sáng kiến cải thiện quy trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ mới; sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho hội viên phụ nữ về khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, sử dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh. Động viên chị em không ngừng học tập nâng cao trình độ, tích cực chia sẻ kinh nghiệm hay và chủ động học hỏi các mô hình khởi nghiệp thành công để áp dụng vào thực tế nhằm phát triển và mở rộng quy mô hoạt động, từ đó nhân lên nhiều điển hình phụ nữ khởi nghiệp thành công.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tích cực và đạt thành tích trong khởi nghiệp để truyền cảm hứng, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ, thể hiện vai trò của phụ nữ trong công cuộc phát triển kinh tế bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh.

P.V: Xin cảm ơn bà!