Tại Việt Nam, ngành In ra đời, phát triển sớm so với các ngành nghề khác và có đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế quốc dân. Nhằm tập hợp các cơ sở in để góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành In nói chung, khu vực trung du - miền núi phía Bắc nói riêng, ngày 8/10/2008, Hội In trung du - miền núi phía Bắc được thành lập với sự tham gia của 16 hội viên. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng các đơn vị hội viên luôn hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp một phần vào ngân sách các địa phương.
Sản xuất vở viết phục vụ học sinh vùng cao tại Công ty CP In Hà Giang. |
Hội In trung du - miền núi phía Bắc được thành lập trên cơ sở tự nguyện với sự tham gia của 16 đơn vị in thuộc các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Phú Thọ, Cao Bằng, Điện Biên, Hải Phòng, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Các đơn vị thành viên thuộc các loại hình doanh nghiệp khác nhau, như: đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần có quy mô nhỏ và vừa, với tổng số hơn 600 cán bộ, công nhân viên người lao động (trong đó nữ chiếm 52%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực in với sản phẩm chủ yếu: Sách, báo, tạp chí, vở viết, ấn chỉ biểu mẫu phục vụ chuyên môn của các sở, ban, ngành và địa phương.
Trong những năm qua, để ổn định và phát triển, các đơn vị thành viên đã xây dựng kế hoạch và tập trung triển khai cùng lúc nhiều biện pháp như: Nắm bắt thông tin thị trường ngành In; tiết giảm triệt để chi phí từ vật tư, nguyên vật liệu cho đến phí vận chuyển hàng hóa; tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng...
Ngoài ra, các đơn vị đã chú trọng đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa máy móc thiết bị trước in, in và sau in; tăng cường công tác bồi dưỡng đào tạo công nhân kỹ thuật bằng nhiều hình thức như đào tạo lại, đào tạo tại chỗ theo hướng chuyên một việc tham gia nhiều việc...
Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, nhưng các thành viên vẫn đoàn kết và nỗ lực duy trì sản xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ in ấn văn kiện, tài liệu sách, báo, tạp chí, tờ rơi, tờ gấp, bao bì, tem nhãn... phục vụ công tác tuyên truyền của Đảng, Nhà nước ở các địa phương, đảm bảo việc làm cho người lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách đối với Nhà nước, làm tốt công tác an sinh xã hội.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024 với gần 10,5 tỷ trang in, tổng doanh thu của các đơn vị thành viên đạt 98,2 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng, đóng góp quỹ xã hội từ thiện hơn 166 triệu đồng… Trong đó đáng chú ý là Công ty CP In Phú Thọ với 70 cán bộ, công nhân viên; doanh thu đạt 28,3 tỷ đồng; 5,6 tỷ trang in, nộp ngân sách 1,5 tỷ đồng. Công ty CP In Sơn La có 50 cán bộ, nhân viên; tổng doanh thu 12 tỷ đồng, 1,95 tỷ trang in, nộp ngân sách 800 triệu đồng.
Công ty CP In Hà Giang duy trì thu nhập bình quân cho người lao động 10,9 triệu đồng/tháng; Công ty In Sơn La 11,5 triệu đồng; Xưởng in Báo Bắc Ninh 12 triệu đồng...
Đánh giá về hoạt động của Hội In trung du - miền núi phía Bắc, ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, khẳng định: Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, cùng với khu vực Bắc miền Trung từng là cái nôi của ngành In cách mạng Việt Nam. Tại đây, ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia - một doanh nghiệp đồng thời cũng là cơ quan quản lý nhà nước thống nhất cả ba khâu: Xuất bản, in và phát hành trong phạm vi cả nước, mà ngày nay đã trở thành Ngày truyền thống của toàn ngành Xuất bản, In và Phát hành. Đó là mốc son đáng nhớ và đáng tự hào.
Ngày nay, các cơ sở in trung du và miền núi phía Bắc vẫn tiếp nối truyền thống đó, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của ngành In cả nước, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời tham gia thị trường in ấn của cả nước. Một số cơ sở in lớn, đủ điều kiện hằng năm đều tham gia in sách giáo dục và các sản phẩm nhãn hàng, bao bì.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng ông Dòng cũng cho rằng: Trong quá trình chuyển đổi số tích cực như hiện nay, các cơ sở in khu vực Trung du và miền núi phía Bắc đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như: Chuyển đổi số trong ngành In hiện nay còn khá chậm, số lượng doanh nghiệp bắt tay và quyết tâm chuyển đổi số còn rất ít, chủ yếu ở một số doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó sẽ làm chậm và yếu đi nguồn lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp in trong quá trình hội nhập toàn cầu. Năng xuất lao động sẽ bị hạn chế, hiệu quả sản xuất, kinh doanh sẽ giảm sút và chất lượng sản phẩm khó được cải thiện.
Bởi thế, để Hội In trung du - miền núi phía Bắc tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, ngoài việc tự nỗ lực cố gắng bắt nhịp với xu thế, các doanh nghiệp in cũng rất cần Nhà nước và chính quyền các địa phương hỗ trợ tích cực hơn nữa, đặc biệt là về cơ chế, chính sách.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin