Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên thời gian qua, xã Lam Vỹ (Định Hóa) đã tập trung triển khai có hiệu quả những chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo. Qua đó, giúp hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Để có nguồn thức ăn cho bò, bà Ma Thị Hứa, xóm Văn La 1 đã tận dụng những diện tích đất khó khăn trong sản xuất nông nghiệp để trồng cỏ voi. |
Ước mơ thoát nghèo những tưởng xa tầm tay đối gia đình chị La Thị Bình, dân tộc Tày, ở xóm Văn La 1 khi gia đình sinh sống trong căn nhà dột nát, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào 3 sào ruộng, 0,5ha đồi. Nhưng năm 2022, ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ xây nhà và 1 con bò lai Sind sinh sản. Đây là nguồn động viên lớn đối với gia đình nên vợ chồng chị đã quyết tâm thoát nghèo.
Chị Bình cho hay: Được hỗ trợ sinh kế và nhà ở nên vợ chồng tôi yên tâm lao động, sản xuất. Tôi ở nhà trồng cỏ chăn bò và chăm hai con nhỏ, còn chồng tôi đi làm thợ xây để kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, thu nhập của gia đình cũng dần tăng lên, chúng tôi có điều kiện để mua sắm được các thiết bị trong gia đình, cuối năm 2023 gia đình tôi đã thoát nghèo.
Cách nhà chị Bình không xa là gia đình bà Ma Thị Hứa, sinh năm 1955, trước đây bà cũng từng là một trong những hộ nghèo của xóm, nhưng đầu năm nay đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Cũng như chị Bình, gần 2 năm trước, gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây nhà và 1 con bò cái lai Sind sinh sản. Cùng với đó, từ tiền tiết kiệm của gia đình và vay mượn thêm bà cũng mua thêm 1 con bò sinh sản nữa về chăn nuôi cùng.
Bà Hứa phấn khởi cho biết: Tôi rất vui vì nhận được sự quan tâm, hỗ trợ sinh kế của Nhà nước. Nay bò mẹ đã sinh bê con, tôi sẽ chăm sóc đàn bò thật tốt, để tiếp tục nhân đàn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Cùng với bà Hứa, chị Bình, trong 2 năm 2022 và 2023, trên địa bà xã Lam Vỹ còn có 16 hộ nghèo khác được hỗ trợ bò cái lai Sind sinh sản từ dự án hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí hỗ trợ là 355 triệu đồng. Việc hỗ trợ bò sinh sản đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Đến thời điểm này, các hộ dân được hỗ trợ bò phần lớn đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ông Hạc Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Lam Vỹ, cho biết: Để phát huy hiệu quả của dự án, hằng năm, chúng tôi đều phối hợp với ngành chức năng của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò cho hộ chăn nuôi trên địa bàn xã nói chung và các hộ dân được Nhà nước hỗ trợ bò nói riêng. Đồng thời, cử cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã theo dõi chặt chẽ các hộ dân được hỗ trợ để kịp thời giúp đỡ, xử lý khi có dịch bệnh xảy ra trên đàn bò.
Cùng với việc triển khai có hiệu quả dự án hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, xã Lam Vỹ còn triển khai nhiều giải pháp khác trong công tác giảm nghèo như: tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được với những nguồn vốn vay ưu đãi; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giới thiệu người dân trong độ tuổi đi tham gia lao động tại các khu, cụm công nghiệp…
Cùng với đó, UBND xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát huy tinh thần tự lực, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của các hộ nghèo vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Với việc chủ động thực hiện các giải pháp và nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo ở xã Lam Vỹ trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả. Nếu năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã là trên 50% thì đến nay con số này giảm xuống chỉ còn dưới 12%.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin