Truyền thông hiệu quả các dự án giảm nghèo

Vũ Công 11:21, 28/10/2024

Hỗ trợ tư liệu sản xuất là một trong những “đòn bẩy” giúp người dân thoát nghèo bền vững. Để việc hỗ trợ đem lại hiệu quả cao nhất, các ngành chức năng và địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai các dự án.

Đoàn công tác của Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên kiểm tra tại hộ dân được hỗ trợ bò cái lai Sind sinh sản trên địa bàn TP. Thái Nguyên.
Đoàn công tác của Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên kiểm tra tại hộ dân được hỗ trợ bò cái lai Sind sinh sản trên địa bàn TP. Thái Nguyên.

Thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 3 về hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hàng chục mô hình dự án giảm nghèo. Trong đó, chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, như: chăn nuôi trâu, bò sinh sản, gà thương phẩm, phân bón cho cây na, chè, cây lương thực…

Để các mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, ngành chức năng và các địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân được thụ hưởng.

Ông Lưu Viết Viên, Chủ tịch UBND xã Linh Thông (Định Hóa): Trên địa bàn xã có triển khai dự án hỗ trợ chăn nuôi bò cái lai Sind sinh sản cho 18 hộ dân. Để người dân hiểu và nắm bắt được chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp xóm... Nhờ đó tạo được sự đồng thuận cao của người dân, góp phần giúp dự án được triển khai một cách thuận lợi.

Còn ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình, cho biết: Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm được giao phối hợp với các xã triển khai nhiều mô hình giảm nghèo. Để tạo nhận thức đúng, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của các dự án, chúng tôi đã cùng với xã có đối tượng được hưởng thụ đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau như: Trên hệ thống truyền thanh cơ sở; trang thông tin của huyện, xã; các nhóm Zalo, Facebook của xã, xóm...

Bên cạnh công tác tuyên truyền, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai các dự án giảm nghèo. Đơn cử, trong 9 tháng năm 2024, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã phối hợp với các địa phương kiểm tra 9 dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tại 5 huyện, thành phố và kiểm tra trực tiếp tại 29 hộ gia đình tham gia dự án.

Ông Triệu Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên: Thông qua các cuộc kiểm tra để nhằm đánh giá kết quả, hiệu quả các dự án. Qua đó chỉ ra những điểm còn hạn chế, thiếu sót nhằm giúp các địa phương và người dân được thụ hưởng kịp thời khắc phục, đảm bảo dự án được triển khai theo đúng quy định của Nhà nước.

Từ năm 2022 đến hết tháng 9-2024, ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai được gần 50 dự án với trên 1.700 hộ được thụ hưởng. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát nên các dự án được triển khai một cách thuận lợi và đang đem những hiệu quả cao tích cực.