Nhà văn Nguyễn Khắc Trường, người con của xã Bình Sơn (TP. Sông Công - Thái Nguyên), “cha đẻ” của tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, được lấy nguyên mẫu để làm phim truyền hình dài tập Đất và người - đã từ trần vào 11 giờ 40 phút sáng 2/10/2024 sau mấy năm chống chọi bạo bệnh.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường. |
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường đi vào lịch sử văn học Việt Nam với tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” cùng những nhân vật sống mãi trong lòng bạn đọc. Nhà văn thần tình và hơn thiên hạ ở chỗ có nhân vật bước từ trang sách ra đời sống. Chu Văn Quềnh là như vậy. Cô Son, ông Thủ, ông Hàm, Tùng, Đào đều có đời sống riêng. Ông là một trong những nhà văn viết không nhiều, nhưng tác phẩm tồn tại lâu bền trong lòng bạn đọc.
Năm 1965, từ quê hương Bình Sơn (lúc đó thuộc huyện Đồng Hỷ), thanh niên Nguyễn Khắc Trường khoác ba lô lên đường, chiến đấu ở binh chủng Phòng không. Với năng khiếu vốn có, dùng bút danh Thao Trường, trên Tạp chí Văn nghệ quân đội hay các báo thường xuyên có đóng góp của ông. Ông nhanh chóng có mặt trong đội ngũ những nhà văn quân đội, ở thế hệ thứ hai sau những tên tuổi gạo cội. Nguyễn Khắc Trường và nhà văn Lê Lựu đều rất mê bậc thầy Nguyễn Minh Châu (tác giả truyện ngắn "Mảnh trăng cuối rừng").
Những tháng ngày công tác ở Văn nghệ Quân đội sau khi tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1 là thời kỳ đáng nhớ của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Ông làm việc cùng những tên tuổi lẫy lừng: Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh.
Tôi đã đọc rất nhiều lần “Mảnh đất lắm người nhiều ma” và thấy được cái sôi sục, không khí truyện của một thời, lúc nào cũng khốc liệt với giọng văn chắc nịch và sự am hiểu căn tính người nông dân đến chân tơ kẽ tóc. Hình như với tiểu thuyết đỉnh cao này, Nguyễn Khắc Trường đã thể hiện hết sở trường, sở đoản của mình để có được “Mảnh đất lắm người nhiều ma” sâu nặng chất người, khẩn thiết đưa ra những cảnh báo trong bước đường bắt đầu công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước ta.
Tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" là một trong những tác phẩm xuất sắc của ông về đề tài nông thôn Việt Nam, giành giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, được chuyển thể thành phim Đất và người do Nguyễn Hữu Phần, Phạm Thanh Phong đạo diễn, ra mắt năm 2002.
Với chúng tôi - những người làm báo Thái Nguyên nay và Bắc Thái trước đây cũng có không ít kỷ niệm với nhà văn đồng hương. Ấy là những năm 1990, anh Khắc Trường thường qua Tòa soạn Báo Bắc Thái trò chuyện rồi mới về với vợ anh - chị Khang và các cháu bên Nông trường Sông Cầu. Có lần Tổng Biên tập Hồng Dương phân công tôi là Trưởng Phòng Phóng viên đưa nhà văn đi tìm hiểu nông thôn Phú Bình. Trên xe anh Trường bảo đang đi thực tế nông thôn và được báo tỉnh giúp đỡ. Ngày đầu chúng tôi đi mấy xã Thanh Ninh, Hà Châu, Dương Thành. Tối về Huyện ủy ăn cơm bếp ăn tập thể, ngủ nhà khách. Sáng hôm sau anh bảo: Hữu Minh, Vũ Liêu về cơ quan làm việc đi nhé. Nhà văn chúng tớ còn phải lang thang…
Độ một tuần sau thấy anh về lại Tòa soạn, tôi lo lắng hỏi tuần rồi anh ăn nghỉ thế nào? Anh bảo thì bánh chưng, bánh giò, cũng có hôm được chiêu đãi lòng lợn toàn tiết, mỏng đến mức gió mạnh là bay vèo… Có lần, biết tài năng của anh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Chu Văn Cường ngỏ ý mời anh về làm Tổng Biên tập báo Đảng hoặc Giám đốc Sở Văn hóa, anh nói anh còn nặng nợ văn chương nên cảm ơn. Nhà văn có con trai - Nhà báo Công an nhân dân Nguyễn Thiêm - một cây viết khỏe, sâu sắc…
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường và gia đình. |
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường có bút danh khác là Thao Trường, sinh năm 1946 tại xã Bình Sơn, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên (nay là xã Bình Sơn, TP. Sông Công). Năm 1965, ông nhập ngũ, phục vụ trong Quân chủng Phòng không - Không quân. Năm 1979, ông học khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du. Sau tốt nghiệp, ông làm biên tập viên văn xuôi tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đến năm 1993, ông công tác tại Tổ Văn xuôi của Báo Văn nghệ rồi làm Phó Tổng biên tập. Năm 2003, ông làm Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn đến khi nghỉ hưu năm 2009, sau đó làm Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2007. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin