Để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hạn chế thấp nhất những rủi ro vì tai nạn lao động (TNLĐ), hầu hết doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có ý thức xây dựng môi trường lao động an toàn. Ngoài động lực khuyến khích người lao động (NLĐ) gắn bó với DN, làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, đây còn là giải pháp quan trọng để DN xây dựng được thương hiệu mạnh.
Các thành viên Hội đồng An toàn - Vệ sinh lao động tỉnh kiểm tra công tác xây dựng môi trường lao động an toàn tại Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên (Đồng Hỷ). Ảnh: T.L |
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng An toàn - Vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) tỉnh: Do tỉnh có chỉ đạo sâu sát; các cấp, ngành quyết liệt vào cuộc; Luật AT-VSLĐ và các văn bản chính sách của Nhà nước có liên quan được phổ biến sâu rộng, từ đó nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ về công tác AT-VSLĐ được nâng cao rõ rệt. Tại hầu hết DN, từ cán bộ làm công tác quản lý đến NLĐ đã chủ động chấp hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn liên quan đến AT-VSLĐ.
Với vai trò là cơ quan Thường trực Hội đồng AT-VSLĐ, hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản có liên quan đến công tác AT-VSLĐ. Cao điểm là Tháng hành động về AT-VSLĐ với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Thành lập đoàn đến thăm hỏi nạn nhân, thân nhân nạn nhân bị TNLĐ; kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác AT-VSLĐ; khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác AT-VSLĐ.
Sở cũng kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện quy định của pháp luật về AT-VSLĐ gửi UBND các huyện, thành phố, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Liên minh Hợp tác xã và Hiệp hội DN tỉnh… Qua đó đôn đốc kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh tích cực chủ động xây dựng môi trường lao động an toàn.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức lao động tại các DN, cơ sở sản xuất không tránh khỏi những sơ xuất dẫn đến tai nạn ngoài ý muốn. Cụ thể, trong 5 năm gần đây, riêng khu vực có quan hệ lao động đã xảy ra gần 540 vụ TNLĐ với gần 590 nạn nhân (trong đó có 55 người chết). Ngoài thiệt hại về người, các DN có xảy ra TNLĐ còn bị thiệt hại nhiều về kinh tế.
Theo thống kê, liên quan đến các vụ tại nạn nêu trên là hơn 14.000 ngày nghỉ, DN phải chi trả gần 15 tỷ đồng chi phí cho nạn nhân điều trị trong bệnh viện; trả lương cho NLĐ nghỉ dưỡng thương; bồi thường, trợ cấp cho gia đình có người bị TNLĐ. Trong năm 2024, lũy kế đến hết tháng 9 toàn tỉnh xảy ra 35 vụ TNLĐ, làm 9 người chết, 3 người bị thương.
Trong môi trường lao động nặng nhọc, người lao động tại Công ty TNHH MTV Tam Hữu (TP. Sông Công) được quan tâm trang bị đầy đủ bảo hộ. |
Đi cùng Đoàn kiểm tra của Hội đồng AT-VSLĐ tỉnh đến kiểm tra một số DN, chúng tôi thấy hầu hết các DN được kiểm tra đều chấp hành nghiêm túc quy trình liên quan đến AT-VSLĐ. Tại phân xưởng sản xuất của Công ty TNHH MTV Tam Hữu (TP. Sông Công), chứng kiến NLĐ “bịt bùng” trong bảo hộ lao động, cần mẫn đưa từng thanh thép hồng lửa vào khuôn dập búa máy, tôi mới hiểu phần nào NLĐ làm việc cực nhọc luôn cần có môi trường làm việc an toàn.
Ông Đặng Hải Đông, Trưởng bộ phận an toàn của Công ty, cho biết: Đơn vị chuyên về cán kéo các sản phẩm bằng thép. Công việc nặng nhọc, độ ồn lớn và môi trường nhiệt cao, vì thế công tác AT-VSLĐ luôn được lãnh đạo Công ty coi trọng hàng đầu.
Ông Phạm Kim Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: NLĐ của đơn vị hằng ngày gắn bó ngoài công trường, thực hiện bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông - xây dựng giao thông thuỷ lợi, san lấp mặt bằng… Công việc không cố định, nhưng ở mọi nơi, mọi lúc đơn vị đều tạo được môi trường làm việc an toàn cho NLĐ.
Còn ông Tăng Thái, Phó Trưởng Phòng An toàn môi trường Công ty TNHH Natsteel Vina (TP. Thái Nguyên), cho biết: Ngoài chấp hành thực hiện đầy đủ các yêu cầu về AT-VSLĐ, Công ty còn tham gia đầy đủ các chính sách an sinh xã hội cho NLĐ, nhất là các chế độ bảo hiểm.
Nhằm hỗ trợ, giúp các DN hoàn thiện hơn trong thực hiện xây dựng môi trường làm việc an toàn, hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện rà soát, tự kiểm tra, đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ dẫn đến mất AT-VSLĐ tại nơi làm việc, từ đó xây dựng và triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro; phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, đồng thời tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về AT-VSLĐ cho NLĐ. Các DN cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng cho những biện pháp kỹ thuật về AT-VSLĐ; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; tuyên truyền huấn luyện và tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro và mất AT-VSLĐ.
Hầu hết DN đã thành lập được mạng lưới AT-VSLĐ; có chế độ phụ cấp trách nhiệm cho người kiêm nhiệm theo quy định. Trước cửa ra vào khu vực lao động đều có khẩu hiệu: “An toàn để sản xuất/ Sản xuất phải an toàn”. Bên cửa ra vào được treo ngay ngắn bảng nội quy, quy định, yêu cầu NLĐ chấp hành nghiêm chỉnh công tác AT-VSLĐ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin