Mặt trái của cơ chế thị trường mang lại nhiều hệ lụy xã hội, trong đó có sự xuống cấp về đạo đức, lối sống trong gia đình. Chính vì thế Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2022 được ví như một cẩm nang bảo vệ tổ ấm.
Vợ chồng chị Đồng Thị Vân Anh, ở phường Châu Sơn (TP. Sông Công) cùng các con mừng thọ bố mẹ. |
Ở mọi thời đại, mỗi người đều mong muốn mình có tổ ấm hạnh phúc. Bởi đó là chốn đi về an toàn nhất cho các thành viên trong gia đình. Nhất là ở thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cuộc sống bận rộn, kinh tế gia đình vơi bớt khó khăn nhưng cũng chịu nhiều tác động tiêu cực xã hội: Bạo lực gia đình còn xảy ra, ly hôn gia tăng, lối sống gấp trong giới trẻ khá phổ biến.
Để “chấn hưng” lối sống, cách ứng xử cho các thành viên trong gia đình, đồng thời xây dựng một xã hội hạnh phúc, từ hơn 2 năm nay các khu dân cư trên toàn tỉnh đã tích cực triển khai nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến toàn dân.
Mục đích của Bộ tiêu chí là nhằm củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước. Qua đó ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.
Được tiếp cận với Bộ tiêu chí này, nhiều gia đình đã có sự thay đổi cách ứng xử, nếp sống có “tôn ti trật tự” được gây dựng lại. Bộ tiêu chí chuyển tải đến mọi người dân những thông điệp yêu thương, gần gũi, thiết thực, dễ thực hành đối với tất cả các thành viên chung sống dưới một mái ấm.
Cụ thể là lối sống biết tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Vợ chồng chung thủy, nghĩa tình; cha mẹ với con, ông bà với cháu gương mẫu yêu thương; con với cha mẹ, cháu với ông bà hiếu thảo, lễ phép; anh chị em hòa thuận, sẻ chia.
Nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã nhanh chóng lan tỏa, thẩm thấu vào đời sống nhân dân, giúp từng thành viên trong gia đình có kỹ năng ứng xử thân thiện, trên kính - dưới nhường. Không khí gia đình tràn ngập yêu thương, các thành viên trong gia đình sống với nhau có trách nhiệm.
Theo đó, nền tảng của xã hội được củng cố vững chắc, bởi từ mỗi gia đình mang không khí thuận hòa, không lo nguy cơ từ lối sống thực dụng xâm nhập, de dọa đến hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của các thành viên. Số vụ bạo lực gia đình trong những năm gần đây giảm: Nếu như năm 2021 xảy ra 46 vụ, thì đến năm 2023 xảy ra 10 vụ, giảm 36 vụ.
Ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, công tác gia đình luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm đúng mức. Đặc biệt, hằng năm đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác gia đình được tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực truyền thông; kiến thức kỹ năng tư vấn về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình. Hầu hết các khu dân cư đã thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; phòng, chống bạo lực gia đình; gia đình không có tệ nạn xã hội...
Các xóm, tổ dân phố cũng đã thông qua cuộc họp dân cư, hệ thống loa truyền thanh và các ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền rộng rãi đến người dân các kiến thức liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Đồng thời tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của gia đình Việt Nam, giá trị văn hóa mới, tiến bộ; phê phán những biểu hiện tiêu cực lạc hậu, tệ nạn xã hội có ảnh hưởng đến đạo đức lối sống trong gia đình.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Hiện trên toàn tỉnh có 155 mô hình điểm phát triển bền vững; 1.100 câu lạc bộ về gia đình; 1.534 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 1.003 nhóm phòng chống bạo lực gia đình; 688 số điện thoại đường dây nóng…
Tất cả vì một xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc. Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đang thực sự là tấm lá chắn, là cẩm nang giúp các thành viên trong gia đình có nhận thức đầy đủ và hành động đúng trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình trong thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin