Đi đầu thực hiện Đề án 06 của Chính phủ

Theo nhandan.vn 10:32, 28/11/2024

Việc triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) tại Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nên một phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo giữa các đơn vị.

Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng iHanoi tại phường Việt Hưng, quận Long Biên. (Ảnh DƯƠNG Ý)
Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng iHanoi tại phường Việt Hưng, quận Long Biên. (Ảnh DƯƠNG Ý)

Từ ngày 11/11/2024, người dân chỉ cần sử dụng một tài khoản định danh điện tử duy nhất (VNeID) để đăng nhập sử dụng các dịch vụ, ứng dụng của cơ quan chính quyền Hà Nội cung cấp như ứng dụng Công dân Thủ đô số-iHanoi, cổng dịch vụ công thành phố Hà Nội. Đây là bước tiến lớn, mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân, giúp người dân không cần phải ghi nhớ nhiều tài khoản và mật khẩu, tiết kiệm thời gian khi thao tác… Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, phát triển các ứng dụng nền tảng thuộc Đề án 06, qua hơn bốn tháng triển khai chính thức ứng dụng “Công dân Thủ đô số” iHanoi, tính đến ngày 31/10/2024, tổng số người dùng đăng ký tài khoản ứng dụng đã đạt 1.043.724 người. Ứng dụng đã tiếp nhận 17.083 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, trong đó 84,3% phản ánh đã được xử lý.

Cùng với phát triển ứng dụng iHanoi, các nhiệm vụ khác của Đề án 06 cũng đang được nỗ lực triển khai. Đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành thí điểm Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Thành phố kết nối chính thức Hệ thống hồ sơ sức khỏe thành phố vào mạng số liệu chuyên dùng CPNet, cơ sở dữ liệu dân cư để xác minh, làm sạch dữ liệu người dân; đến thời điểm hiện tại đã xác minh được hơn 6,3 triệu người dân trên toàn thành phố. Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trong ngành nghiên cứu và tổ chức triển khai thực hiện. Các cơ sở khám, chữa bệnh đã chủ động nâng cấp phần mềm, cơ sở hạ tầng để đáp ứng liên thông dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, tích hợp Giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế điện tử và Giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID nhằm phục vụ người dân, cơ sở y tế tra cứu thông tin và sử dụng khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Tổng số hồ sơ đúng đã được các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố liên thông là 4.524.134 hồ sơ. 25,57% người dân Thủ đô đã có Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết thêm, về nhiệm vụ cấp Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, tính đến ngày 15/11/2024, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 107.056 hồ sơ đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp; trong đó, qua VNeID là 79.954 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 74,68%. Thành phố tiếp tục hỗ trợ miễn phí người dân khi thực hiện thủ tục theo hình thức này. Đến nay, tổng số tiền hỗ trợ là hơn 10 tỷ đồng. Phía Cục Thuế thành phố Hà Nội đã triển khai việc thực hiện quản lý thương mại điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và cài đặt ứng dụng eTax Mobile. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tham mưu triển khai liên thông giữa văn phòng đăng ký đất đai với cơ quan Thuế trong thanh toán nghĩa vụ tài chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và thực hiện phương án liên thông thủ tục hành chính về đất đai-công chứng-thuế...

Bên cạnh những kết quả, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho rằng, nhận thức về vai trò của chuyển đổi số và sự quyết liệt trong chỉ đạo, người đứng đầu một số đơn vị chưa sâu sát, thiếu chủ động, sáng tạo; có hiện tượng né tránh trách nhiệm dẫn tới hiệu quả công việc thấp. Công tác xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu tầm nhìn chiến lược, chưa đáp ứng yêu cầu của thành phố. Việc phân công, phối hợp giữa các đơn vị bất cập, thiếu rõ ràng; phân công chưa rõ ràng, phối hợp chưa hiệu quả, nhất là trong giải quyết tháo gỡ các “điểm nghẽn”; thiếu sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị; dữ liệu tập trung, chưa được chia sẻ, chưa đáp ứng yêu cầu “đúng, đủ, sạch, sống”...

Sắp tới, thành phố sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện các đề án lớn của thành phố như: Đề án tổng thể về quản lý hệ thống Camera giám sát; Đề án thành phố thông minh; Đề án giao thông thông minh; Chiến lược dữ liệu; Hệ thống giám sát an ninh an toàn thông tin SOC… Hà Nội sẽ tiếp tục là địa phương gương mẫu, đi đầu về chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.