Triển khai Dự án “Hợp tác thúc đẩy phúc lợi động vật đồng hành và tăng cường công tác quản lý đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, năm 2024, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên đã thực hiện thành công mô hình thí điểm chuyển đổi từ hộ kinh doanh giết mổ chó, mèo sang loại hình kinh tế khác, đem lại kết quả bước đầu.
Gia đình ông Nguyễn Đức Thịnh, ở xóm Trung Thành, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên), được hỗ trợ máy hút chân không để sản xuất, kinh doanh chè. |
Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-UBND ngày 19/1/2024 của UBND tỉnh về việc phê duyệt văn kiện và tiếp nhận khoản viện trợ Dự án “Hợp tác thúc đẩy phúc lợi động vật đồng hành và tăng cường công tác quản lý đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên đã vào cuộc tích cực.
Cụ thể, Chi cục có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp triển khai Dự án; rà soát, thẩm định các cơ sở có nhu cầu chuyển đổi từ hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt chó, mèo sang loại hình sinh kế khác nhân văn, bền vững hơn. Theo đó, đối tượng hỗ trợ là cơ sở chăn nuôi chó, mèo với mục đích để giết thịt (quy mô từ 20 con trở lên) có nguyện vọng chuyển đổi sang loại hình kinh doanh khác.
Gia đình ông Nguyễn Đức Thịnh, ở xóm Trung Thành, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên) là cơ sở tiên phong trong việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh giết thịt mèo sang loại hình kinh doanh khác. Trước đây, gia đình ông Thịnh thường xuyên nuôi từ 20-60 con mèo phục vụ nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Ông Thịnh chia sẻ: Mặc dù đem lại nguồn thu nhập ổn định nhưng tôi cũng luôn lo lắng trong quá trình chăm sóc, giết thịt mèo có thể lây nhiễm bệnh dại cho bản thân và thành viên trong gia đình. Vì vậy, sau khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ chuyển đổi sinh kế, gia đình tôi đã đăng ký thực hiện. Được hỗ trợ máy hút chân không, nhà tôi đầu tư thêm máy móc tập trung sản xuất, kinh doanh chè, cho thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng. Hiện giờ, chúng tôi rất vui vì quyết định đúng đắn, chấm dứt cảnh giết thịt mèo nên cũng tránh được nguy cơ lây nhiễm bệnh dại.
Chấm dứt giết thịt mèo, gia đình ông Nguyễn Đức Thịnh, ở xóm Trung Thành, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên), bàn giao 20 con mèo cho cơ quan chuyên môn. |
Trước đó, trong tháng 6 vừa qua, tổ chức Humane Society International (HSI) và Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên đã đưa 20 con mèo của gia đình ông Thịnh đến Trạm cứu hộ động vật, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.
Tại đây, các cá thể mèo được tiêm phòng bệnh dại và chăm sóc y tế, phục hồi sức khỏe trước khi được nhận nuôi tại địa phương. Cũng trong tháng 6, HSI đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực triển khai các dự án phúc lợi động vật đồng hành và kiểm soát bệnh dại cho các đối tác địa phương tại Việt Nam, trong đó có đại diện tỉnh Thái Nguyên.
Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên, tỉnh đang triển khai xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật tỉnh giai đoạn 2024-2030 theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp - PTNT. Thông qua các hoạt động của Dự án, bao gồm việc kiểm soát vận chuyển chó liên tỉnh và sử dụng ứng dụng trên điện thoại của HSI để quản lý đàn chó nuôi và đẩy mạnh việc tiêm phòng bệnh dại sẽ đóng góp vào mục tiêu chung của tỉnh. Cùng với đó, việc khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở giết thịt chó, mèo sang loại hình kinh doanh khác sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Thái Nguyên sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai Dự án “Hợp tác thúc đẩy phúc lợi động vật đồng hành và tăng cường công tác quản lý đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”; tiếp tục rà soát, hỗ trợ đối với các cơ sở có nhu cầu chuyển đổi từ hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt chó, mèo sang loại hình sinh kế khác, góp phần chung tay đẩy lùi bệnh dại. Đồng thời, hướng tới việc chấm dứt buôn bán và giết mổ chó, mèo trong tương lai.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin